Tổng thống Pháp Macron thăm Đông Âu nhằm trấn an đồng minh
VOV.VN - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 14/6 bắt đầu chuyến thăm Romania và Moldova để khẳng định sự ủng hộ đối với các quốc gia được Pháp đánh giá là “tuyến đầu” và bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột tại Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm Romania và Moldova cùng các Bộ trưởng Ngoại giao Catherine Colonna và Bộ trưởng Quân đội Sébastien Lecornu.
Tại Romania, ông Macron đã đến thăm động viên 500 binh sĩ Pháp đóng tại căn cứ Mihail Kogalniceanu nằm ngay bên bờ Biển Đen và có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Ngay sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, Pháp đã điều động số binh sĩ này đến tăng cường cho lực lượng NATO tại đây.
Văn phòng Tổng thống Pháp đánh giá Romania cùng với Ba Lan và các quốc gia Baltic là những nước “tuyến đầu” và bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc xung đột. Ngay trước thềm chuyến thăm của ông Macron, Bộ Quân đội Pháp ngày 13/6 đã ký thoả thuận bán 18 pháo tự hành Ceasar Markt II cho Litva, một quốc gia nằm trong khu vực Baltic. Trước đó, Pháp cho biết sẵn sàng tham gia đảm bảo an ninh hỗ trợ xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ cảng biển Odessa để đối phó với nguy cơ về cuộc khủng hoảng lương thực.
Chuyến thăm Romania và Moldova cũng là chuyến đi đầu tiên của ông Emmanuel Macron đến Đông Nam châu Âu kể từ cuối tháng 2/2022 vừa qua. Nhiều nguồn tin báo chí địa phương cho rằng, Ukraine sẽ là điểm tiếp theo của người đứng đầu nước Pháp diễn ra vào ngày 16/6.
Đến nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng Thủ tướng Đức Olaf Sholz và Thủ tướng Italy Matteo Draghi là các lãnh đạo quan trọng của châu Âu chưa đến Ukraine. Sức ép với ông Macron ngày càng lớn khi Pháp chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng 6/2022.
Trong các tuyên bố mới nhất, Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết Tổng thống Emmanuel Macron chưa có dự định thăm Ukraine nhưng luôn ủng hộ và sẽ nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột càng nhanh càng tốt.
Phát biểu trên đài France Inter, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp, ông Clément Beaune nhấn mạnh EU cần cởi mở hơn đối với đơn xin gia nhập của Ukraine.
“Cần phải đưa ra một tín hiệu tích cực càng sớm càng tốt. Sau đó là khởi động quy trình thành viên bởi thật lòng mà nói thì sẽ cần nhiều thời gian. Trước hết, Ukraine là một quốc gia đang có chiến tranh và điều cấp thiết là phải chấm dứt chiến tranh, tái thiết lại, sau đó mới tính đến chuyện kết nạp với những điều kiện tốt cho cả EU và cho Ukraine”, ông Beaune nói.
Dự kiến, Ủy ban châu Âu (EC) cuối tuần này sẽ nhóm họp, đưa ra ý kiến về tư cách ứng cử viên EU của các nước Ukraine, Moldova và Grudia trước khi vấn đề này được trình lên Thượng đỉnh EU vào cuối tháng 6/2022./.