Tổng thống Putin tổ chức họp báo sau thượng đỉnh Nga – châu Phi
VOV.VN - Sau hai ngày làm việc với các nhà lãnh đạo châu Phi đang ở thăm Nga, đêm qua (29/7 – theo giờ địa phương), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức họp báo, trả lời các câu hỏi của phóng viên, liên quan đến một loạt vấn đề nóng.
Cuộc xung đột Nga – Ukraine là vấn đề được giới báo chí đặc biệt quan tâm khi Tổng thống Nga tổ chức họp báo. Nhà lãnh đạo Nga cho biết, nước này không bác bỏ các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine. Tuy nhiên, sẽ khó có thể có được một lệnh ngừng bắn khi Ukraine vẫn tiếp tục các hoạt động phản công:
“Chúng tôi không thể ngừng bắn khi họ tấn công chúng tôi. Khi tôi nói điều này mọi người bắt đầu suy nghĩ; hoặc để bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình. Chúng tôi không bao giờ từ chối đàm phán. Nhìn chung, sáng kiến hòa bình của châu Phi về Ukraine có thể là cơ sở cho một quá trình nhất định, nhằm tìm kiếm hòa bình, giống như một vài sáng kiến khác, ví như sáng kiến từ phía Trung Quốc”.
Theo Tổng thống Nga Putin, các cuộc thảo luận về sáng kiến hòa bình của châu Phi đã diễn ra trong một thời gian dài. Hầu hết các nước châu Phi có mối quan hệ thân thiết với Nga, mong muốn cuộc xung đột Nga – Ukraine sớm kết thúc.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết thêm, hiện chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vẫn đang tiến triển và không có bất kỳ sự thay đổi lớn nào. Ukraine đã mất 415 xe tăng và khoảng 1.300 xe bọc thép kể từ khi nước này bắt đầu chiến dịch phản công hồi tháng 6.
Liên quan đến việc Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc biển Đen, Tổng thống Putin cho rằng, các nước phương Tây đã không thực hiện cam kết và việc rút khỏi thỏa thuận sẽ có lợi hơn cho các doanh nghiệp Nga. Trước đó, trong các cuộc gặp với lãnh đạo các nước châu Phi, Tổng thống Putin cũng cho biết, lương thực Nga sẵn sàng thay thế nguồn cung từ Ukraine để đáp ứng nhu cầu từ các nước châu Phi.
Về hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) vào tháng tới, Tổng thống Nga cho biết ông không nghĩ chuyến thăm quan trọng hơn việc ông ở lại đất nước. Ngoại trưởng Nga sẽ trực tiếp tham dự sự kiện này.
Nhà lãnh đạo Nga cũng đã đề cập đến mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ trước báo giới, cho biết hai bên vẫn đang duy trì liên lạc và những dự án khí đốt Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang nằm trong chương trình nghị sự. Điều này xóa tán phần nào những đồn đoán mối quan hệ Nga – Thổ đang xấu đi trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ thả một số binh sĩ Ukraine về nước bất chấp thỏa thuận với Nga trước đó, cũng như việc Thổ Nhĩ Kỳ tạo điều kiện để Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO.