Tổng thư ký LHQ kêu gọi cải cách Hội đồng Bảo an
VOV.VN - Rạng sáng nay (theo giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức cuộc thảo luận mở cấp cao về chủ đề “Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế: Thực hành chủ nghĩa đa phương, cải cách và nâng cao hiệu quả quản trị toàn cầu”.
Tại cuộc họp Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhắc lại kêu gọi cải cách đáng kể Hội đồng Bảo an, thúc giục mở rộng cơ quan này để mang tính đại diện nhiều hơn cho thực tế địa chính trị toàn cầu hiện nay.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, “Hiệp ước vì tương lai” của Liên hợp quốc được thông qua vào tháng 9 năm ngoái, nhằm mục đích tăng cường quản trị toàn cầu và xây dựng lại lòng tin vào chủ nghĩa đa phương, Liên hợp quốc cũng như Hội đồng Bảo an. Hiệp ước bao gồm cam kết cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu để đại diện tốt hơn và công bằng hơn cho nhu cầu của các nước đang phát triển.
Ông Guterres tuyên bố rằng Hội đồng Bảo an phải phản ánh thế giới của hiện tại, không phải như 80 năm về trước khi Liên hợp quốc được thành lập, đồng thời đặt ra các nguyên tắc quan trọng để hướng dẫn cải cách được mong đợi từ lâu: “Đoàn kết và các giải pháp toàn cầu là cần thiết hơn bao giờ hết. Cuộc khủng hoảng khí hậu đang hoành hành, bất bình đẳng ngày và đói nghèo gia tăng. Như Hội đồng này đã biết, hòa bình ngày càng trở nên xa vời – từ Lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng đến Ukraine, Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo và nhiều nơi khác. Chủ nghĩa khủng bố và cực đoan bạo lực vẫn là những mối đe dọa dai dẳng. Chúng ta đang chứng kiến một tinh thần xem thường pháp luật lan rộng. Hội đồng này cần được mở rộng và trở nên đại diện hơn cho thực tế địa chính trị ngày nay. Chúng ta cũng phải tiếp tục cải thiện phương pháp làm việc của Hội đồng để làm cho hệ thống bao trùm hơn, minh bạch hơn, hiệu quả hơn, dân chủ hơn và có trách nhiệm hơn.”
Tổng thư ký nhấn mạnh, những thách thức đòi hỏi các giải pháp đa phương, chẳng hạn như xung đột, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng kinh tế, vấn nạn khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực và những rủi ro do các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra, có khả năng làm suy yếu tư duy, bản sắc và khả năng kiểm soát của con người.
Tại cuộc họp, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị - quốc gia giữ chức chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng này, nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương, khẳng định đây một nền tảng của hòa bình và hợp tác quốc tế: “80 năm qua là giai đoạn tiến triển nhanh chóng trong thế giới đa cực và toàn cầu hóa kinh tế, giai đoạn chứng kiến mọi người trên khắp thế giới cùng nhau tiến lên, nhưng cũng đối mặt với những thách thức. Đây cũng là giai đoạn mà Nam bán cầu trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ. Trong khi đó, mặc dù xã hội loài người đã thoát khỏi bóng tối của Chiến tranh Lạnh và vượt qua thế bế tắc lưỡng cực, hòa bình toàn diện và thịnh vượng chung vẫn còn khó nắm bắt trong thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21, hòa bình và phát triển vẫn là một nhiệm vụ gian nan lâu dài.”
Đại sứ Nga Vasily Nebenzya đã cảnh báo về tình hình leo thang rủi ro toàn cầu, tuyên bố thế giới đang tiến gần hơn bao giờ hết đến ngưỡng nguy hiểm. Ông chỉ trích các cường quốc phương Tây vì những hành động mà ông cho là làm suy yếu thẩm quyền của Liên hợp quốc và gây nguy cơ xung đột quân sự trực tiếp giữa các quốc gia hạt nhân.
Tuy nhiên, Phó đại diện Mỹ tại Hội đồng Bảo an Dorothy Shea lại cáo buộc Nga và Trung Quốc đã lợi dụng Liên hợp quốc cho những mục đích riêng, chương trình nghị sự của các nước này; nhấn mạnh Liên hợp quốc phải giữ thái độ công bằng.