Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cảnh báo về nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân
VOV.VN - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc hôm qua (26/9) kêu gọi các nước tôn trọng các nghĩa vụ giải trừ vũ khí và cam kết không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân hay đe dọa sử dụng loại vũ khí này. Tuyên bố của người đứng đầu Liên Hợp Quốc đưa ra trong bối cảnh tình trạng căng thẳng toàn cầu gia tăng và nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân tái diễn.
Phát biểu tại khóa họp thứ 79 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm qua (26/9), Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nêu rõ, sự chia rẽ về địa chính trị và mất lòng tin ngày càng tăng đã làm leo thang căng thẳng và thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước tôn trọng các nghĩa vụ giải trừ vũ khí và cam kết không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân hay đe dọa sử dụng chúng. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố và điều chỉnh các hiệp ước và công cụ hiện có nhằm ngăn chặn sự lan rộng và thử nghiệm vũ khí hạt nhân, đặc biệt trong bối cảnh những tiến bộ công nghệ có thể làm gia tăng mối đe dọa.
“Giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân là hai mặt của một đồng xu. Tiến bộ trong một mặt sẽ thúc đẩy tiến bộ trong mặt kia. Các quốc gia phải theo đuổi cả hai mặt một cách cấp bách.“Đã đến lúc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Liên Hợp Quốc sát cánh cùng tất cả các quốc gia thành viên khi chúng ta cùng nhau xây dựng tương lai hòa bình, không có vũ khí hạt nhân mà con cháu chúng ta xứng đáng được hưởng", ông Antonio Guterres nói.
Tuyên bố của người đứng đầu Liên Hợp Quốc đưa ra trong bối cảnh nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân tái diễn. Trong một động thái mới nhất, Tổng thống Putin hôm qua đã công bố loạt đề xuất sửa đổi đối với học thuyết hạt nhân của nước này. Điểm cập nhật chính là mở rộng danh sách những mối đe dọa quân sự nằm trong phạm vi áp dụng chính sách răn đe hạt nhân của Nga. Quyết định thay đổi học thuyết hạt nhân chính thức của Nga được xem, là câu trả lời của nước này trước những động thái gần đây của phương Tây trong đó có việc Mỹ và các nước phương tây không ngừng viện trợ vũ khí cho Ukraine, thậm chí phương Tây có thể để ngỏ khả năng cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tấn công vào lãnh thổ Nga.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), hiện trên thế giới vẫn còn khoảng hơn 12 nghìn đầu đạn hạt nhân. Các quốc gia sở hữu những loại vũ khí như vậy đã có kế hoạch dài hạn để hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân. Hơn một nửa dân số thế giới vẫn sống ở các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc là thành viên của các liên minh hạt nhân. Mặc dù số lượng vũ khí hạt nhân được triển khai đã giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, song tiến độ thực hiện các thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa các nước sở hữu hầu như dậm chân tại chỗ.
Ngoài ra, hiện không có cuộc đàm phán nào về giải trừ vũ khí hạt nhân đang diễn ra. Những công cụ chủ chốt cấm phổ biến vũ khí hạt nhân là các hiệp ước quốc tế, như Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện và Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Thực tế là các hiệp ước này đang bị chính các cường quốc hạt nhân quay lưng. Đơn cử như Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, tới nay toàn bộ 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc đều chưa tham gia hiệp ước này.