Tổng thư ký NATO: Ukraine có thể phải thỏa hiệp với Nga để chấm dứt xung đột
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng Ukraine cuối cùng có thể phải chấp thuận một số thỏa hiệp với Nga để chấm dứt xung đột.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài BBC hôm 6/4, người đứng đầu NATO nhắc lại phương Tây phải hỗ trợ Ukraine về lâu dài ngay cả khi liên minh này tin tưởng và hy vọng rằng xung đột sẽ kết thúc trong tương lai gần.
Ông nói thêm các nước phương Tây nên đầu tư vào khả năng phòng thủ của Ukraine để giúp nước này kiên cường hơn trong trường hợp xung đột leo thang hơn nữa trong tương lai. Ông cho hay Ukraine có quyền lựa chọn thời điểm và điều kiện để tìm kiếm hòa bình với Nga.
“Cuối cùng, Ukraine phải là nước quyết định lựa chọn phương án thỏa hiệp nào mà họ sẵn sàng thực hiện”, ông Stoltenberg nói và cho biết vai trò của phương Tây là giúp Kiev đạt được lập trường đàm phán có thể tạo ra “kết quả có thể chấp nhận được”.
Ông Stoltenberg nhấn mạnh ông không thúc ép Kiev phải nhượng bộ bất kỳ điều gì. Theo người đứng đầu NATO, hòa bình thực sự chỉ có thể đạt được khi Ukraine giành chiến thắng.
Đầu tuần này, Tổng thư ký NATO tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ Kiev về lâu dài. Theo một số báo cáo, ông Stoltenberg đã đề xuất gói viện trợ quân sự trị giá 107 tỷ USD trong 5 năm cho Ukraine. Chi tiết của sáng kiến này vẫn đang được thảo luận.
Trong suốt cuộc xung đột, Nga luôn khẳng định sẵn sàng đàm phán với Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh cấm mọi cuộc đàm phán với Nga nếu Tổng thống Putin còn nắm quyền.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng đề xuất công thức hòa bình gồm 10 điểm, yêu cầu Moskva rút quân khỏi các vùng lãnh thổ của Kiev, cũng như thành lập một tòa án để truy tố các quan chức Nga vì cáo buộc tội ác chiến tranh. Moskva đã bác bỏ công thức này vì cho rằng sáng kiến này “xa rời thực tế”.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Politico hôm 6/4, Chánh Văn phòng của Tổng thống Zelensky, ông Andrey Yermak, tuyên bố Ukraine quyết liệt phản đối bất kỳ thỏa hiệp nào với Nga.
Tuy nhiên, tháng trước Tổng thống Zelensky cho rằng việc quay trở lại biên giới năm 1991 của Ukraine không còn là điều kiện tiên quyết để đàm phán với Nga. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định Kiev phải lấy lại lãnh thổ đã rơi vào tay Moskva năm 2022.
Về phần mình, Moskva cho biết Ukraine phải tính đến thực tế là biên giới của nước này đã thay đổi mạnh mẽ kể từ khi bắt đầu chiến sự.