Tranh cãi quanh việc điều tra vụ tấn công cơ sở lọc dầu ở Saudi Arabia
VOV.VN - Phía Saudi Arabia công bố bằng chứng mà họ gọi là "không thể chối cãi" cho thấy sự liên quan của Iran trong vụ tấn công cơ sở lọc dầu.
Hôm 18/9, Saudi Arabia công bố mảnh vỡ của các máy bay không người lái và tên lửa được cho là đã sử dụng trong các vụ tấn công vào các cơ sở lọc dầu của nước này hôm 14/9 vừa qua. Nước này khẳng định, đây là bằng chứng "không thể chối cãi" cho thấy Iran đứng sau vụ việc này. Ngay sau tuyên bố của Saudi Arabia, các quốc gia như Mỹ, Nga và Iran đã có những phản ứng.
Một cơ sở lọc dầu của Saudi bị tấn công. |
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Saudi Arabia, Đại tá Turki al-Malki khẳng định, các thiết bị bay không người lái Delta Wing của Iran đã được sử dụng cùng với các tên lửa dẫn đường. Ông đồng thời công bố hình ảnh những bộ phận của máy bay không người lái và tên lửa được dán nhãn là do Iran sản xuất.
Phát biểu tại họp báo, ông Malki cho biết: “Vụ tấn công được tiến hành từ phía Bắc và chắc chắn do Iran tài trợ. Chúng tôi đang tiếp tục xác định chính xác vị trí cuộc tấn công được triển khai. Bất cứ ai thực hiện vụ tấn công bằng máy bay không người lái hoặc tên lửa hành trình nhằm vào cơ sở hạ tầng của Saudi Arabia và gây hại cho dân thường sẽ phải chịu trách nhiệm "
Vài giờ sau khi Bộ Quốc phòng Saudi Arabia công bố những bằng chứng mà nước này cho là “không thể chối cãi” chứng minh Iran đứng đằng sau vụ việc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, vụ tấn công nhằm vào các cơ sở dầu khí của Saudi Arabia là một hành vi chiến tranh. Theo ông Mike Pompeo, đây là một vụ tấn công do Iran tiến hành, chứ không phải là nhóm nổi dậy người Houthi tại Yemen. Bởi những thiết bị được sử dụng không nằm trong kho vũ khí của lực lượng Houthi.
Cùng ngày, phát biểu từ Los Angeles, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, đã ra lệnh cho Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin "tăng mạnh các trừng phạt" nhằm vào Iran. Tổng thống Donald Trump cũng tuyên bố, chính quyền Mỹ đang có sẵn rất nhiều lựa chọn nhằm chống lại Iran: “Chúng ta có sẵn rất nhiều lựa chọn chống lại Iran. Và có lựa chọn cuối cùng và có những lựa chọn ít nghiêm trọng hơn. Chúng ta sẽ thấy điều gì xảy ra. Nước Mỹ đang ở một vị thế rất mạnh mẽ.”
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 18/9 kêu gọi mở cuộc điều tra "khách quan và kỹ lưỡng" để làm rõ những gì đã xảy ra trong các vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào hai cơ sở dầu mỏ ở Saudi Arabia.
Về phần mình, nước Cộng hòa Hồi giáo đã bác bỏ mọi liên quan. Theo Tổng thống Iran Hassan Rouhani, vụ tấn công do nhóm phiến quân người Houthi tại Yemen tiến hành nhằm phản đối cuộc can thiệp của liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu.
“Lực lượng Houthi đã không tấn công các bệnh viện, không tấn công các khu chợ mà tấn công khu công nghiệp để gửi lời cảnh báo đến phía Liên quân Arab. Cảnh báo này là lời thức tỉnh . Hãy xem xét chấm dứt chiến tranh khu vực.''
Trong khi đó, theo một tuyên bố, lực lượng vũ trang Houthi khẳng định đã dùng 10 máy bay không người lái tấn công các nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia. Và cảnh báo lực lượng Houthi sẽ còn tiếp tục chừng nào Saudi Arabia chưa chấm dứt các chiến dịch quân sự ở Yemen mà họ thực hiện nhằm vào lực lượng này.
Vụ tấn công xảy ra tại nhà máy lọc dầu ở thành phố Abqaia và Khurais của Saudi Arabia, khiến sản lượng dầu của nước này giảm 5,7 triệu thùng mỗi ngày, tương đương gần 6% nguồn cung dầu thô thế giới. Đây không phải là lần đầu tiên các cơ sở hạ tầng năng lượng của Saudi Arabia bị tấn công.
Mới đây nhất hồi tháng 8 vừa qua, Houthi cũng thừa nhận thực hiện một vụ tấn công nhằm vào cơ sở hóa dầu gần biên giới với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, nhưng không gây thương vong. Nhóm này cũng đã tấn công 2 trạm bơm dầu của đường ống dẫn dầu quan trọng tại Saudi Arabia khiến 2 trạm này phải dừng hoạt động trong nhiều ngày./.