Tranh cãi tiếp diễn trong ngày đầu Pháp áp dụng giấy thông hành y tế
VOV.VN - Theo luật y tế mới được ban hành, kể từ ngày 9/8, quy định về giấy thông hành y tế đã được áp dụng tại các nhà hàng, quán bar, trung tâm thương mại, nhà ga, bến tàu lớn trên toàn nước Pháp và tiếp tục gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Bốn ngày sau khi Hội đồng Hiến pháp của Pháp đồng ý thông qua luật y tế mới, quy định về việc áp dụng mở rộng giấy thông hành y tế chính thức có hiệu lực tại Pháp từ ngày thứ Hai, 9/8. Với luật mới, người dân Pháp trên 18 tuổi sẽ phải xuất trình giấy thông hành y tế, phiên bản giấy hoặc phiên bản số có mã QR, trong đó chứng nhận đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19, hoặc có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72h, hoặc có chứng nhận miễn dịch sau khi đã mắc COVID-19, mới được phép vào các nhà hàng, quán bar, các cơ sở văn hóa, các trung tâm thương mại lớn hoặc đi máy bay và tàu hỏa cao tốc đường dài. Trẻ vị thành niên từ 12 đến 17 tuổi sẽ được hoãn áp dụng quy định này đến ngày 30/09/2021.
Vốn gây ra rất nhiều tranh cãi và chia rẽ tại nước Pháp từ hơn 1 tháng qua, thể hiện qua các cuộc biểu tình thu hút hàng trăm nghìn người tham dự vào mỗi dịp cuối tuần, giấy thông hành y tế tiếp tục thu hút nhiều ý kiến trái chiều trong ngày đầu được áp dụng.
Mặc dù giới chức cảnh sát Pháp cho biết sẽ nhẹ tay trong những ngày đầu áp dụng và chủ yếu chỉ nhắc nhở người dân và chủ các cơ sở kinh doanh thay vì xử phạt nhưng nhiều người vẫn cho rằng quy định này sẽ dẫn đến việc các cơ sở kinh doanh phải từ chối phục vụ không ít khách hàng trong lúc kinh tế đang khó khăn. Ngoài ra, việc cảnh sát một số địa phương yêu cầu người dân phải xuất trình cả thẻ căn cước để đối chiếu với giấy thông hành y tế cũng bị chỉ trích là quá cứng nhắc.
Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế Pháp lại lo ngại rằng việc chính phủ Pháp đang có dấu hiệu giảm nhẹ việc kiểm soát quy định về giấy thông hành y tế, đặc biệt là việc công nhận xét nghiệm trong 72h, có thể khiến cho quy định này không phát huy tác dụng.
Robert Sebbag, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Pitié-Salpêtrière ở thủ đô Paris nhận xét: “Trên khía cạnh y tế thì đây không phải là cách tốt, và phải chờ xem liệu nó có hệ lụy nào không, nhưng nói thật là tôi không hài lòng bởi việc kéo dài quy định xét nghiệm trong 72h thay vì chỉ trong 48h sẽ gia tăng thêm nguy cơ, bởi trong vòng 3 ngày sau khi xét nghiệm, một người hoàn toàn có thể ủ bệnh và đã nhiễm bệnh. Chính quyền đang muốn nới lỏng một chút nhưng cần phải hiểu rằng, ngay từ đầu thì xét nghiệm bằng phương pháp PCR là tương đối an toàn, nhưng không phải tuyệt đối”.
Bên cạnh nỗi lo về việc quy định về giấy thông hành y tế sẽ không được tuân thủ đầy đủ, giới chức Pháp cũng đang lo ngại về nguy cơ nhiều người sử dụng các giấy thông hành y tế giả, hiện đang được rao bán tràn lan trên các mạng xã hội, thông qua các đường dây tội phạm có liên kết với một số nhà thuốc.
Để hạn chế nguy cơ này, Bộ Nội vụ Pháp trong ngày 9/8 đã liên tiếp phát đi cảnh báo về các mức phạt dành cho những người không tuân thủ quy định cũng như những người dùng giấy thông hành y tế giả. Theo đó, người trong diện bị kiểm tra mà không có giấy thông hành y tế sẽ bị phạt 135 euro trong lần đầu vi phạm, 1500 euro nếu tái phạm lần 2 trong vòng 15 ngày và phải ngồi tù đến 6 tháng, kèm theo 3750 euro tiền phạt nếu vi phạm 3 lần.
Mức phạt sẽ cao hơn rất nhiều với những người dùng giấy thông hành y tế giả hoặc của người khác, với mức phạt cho cấp độ cao nhất lên tới 5 năm tù và 375 ngàn euro tiền phạt./.