Tranh cãi về tranh chấp nguồn nước sông Ấn giữa Ấn Độ và Pakistan
VOV.VN - Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay (The Hague), Hà Lan ngày 6/7 đã tuyên bố bác bỏ sự phản đối của Ấn Độ đối với một thủ tục pháp lý do Pakistan khởi xướng liên quan tới tranh chấp trong sử dụng nước ở lưu vực sông Ấn giữa hai nước. Phán quyết này đã mở lại một tiến trình pháp lý đã bị ngăn chặn trong nhiều năm, lập tức gây ra những tranh cãi.
Ấn Độ và Pakistan, hai nước láng giềng Nam Á vốn đã tranh cãi suốt nhiều thập kỷ về các dự án thủy điện trên dòng sông Ấn và các phụ lưu của nó mà cả hai cùng chia sẻ. Pakistan phàn nàn rằng, các đập thủy điện mà Ấn Độ dự định xây dựng trên thượng nguồn sẽ cắt đứt dòng chảy của dòng sông, vốn cung cấp nước cho 80% diện tích đất nông nghiệp của nước này.
Để giải quyết các lo ngại của mình, Islamabad bắt đầu tiếp cận Tòa Trọng tài Thường trực từ năm 2007 khi Ấn Độ triển khai việc xây dựng dự án thủy điện Kishanganga ở thượng nguồn. Pakistan đã tìm cách đấu tranh thông qua tố tụng tại Tòa Trọng tài thường trực (PCA) vào năm 2016. Trong khi đó, Ấn Độ lại yêu cầu Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ định một chuyên gia trung lập để giàn xếp các tranh chấp theo các điều khoản của Hiệp ước Nước sông Ấn mà hai nước đã cùng ký. Ấn Độ đã tẩy chay thủ tục tố tụng tại Tòa án ở La Hay và nhiều lần đặt câu hỏi về thẩm quyền của tòa án này xung quanh vụ tranh chấp.
"Trong một quyết định có sự nhất trí, có giá trị ràng buộc đối với các bên và không có kháng cáo, Tòa án đã bác bỏ từng lập luận phản đối do Ấn Độ đưa ra và xác định rằng, Tòa án có thẩm quyền xem xét và xác định các tranh chấp được nêu trong Yêu cầu Trọng tài của Pakistan”, Tuyên bố của Tòa Trọng tài Thường trực viết.
Tòa không đưa ra chi tiết về thời điểm và cách thức vụ việc sẽ tiếp tục được giải quyết, nhưng cho biết thêm rằng, cơ quan này sẽ giải quyết việc giải thích và áp dụng Hiệp ước Nước sông Ấn giữa Ấn Độ và Pakistan, đáng chú ý là các điều khoản về các dự án thủy điện, cũng như hiệu lực pháp lý của các quyết định trong quá khứ liên quan tới các cơ chế giàn xếp tranh chấp theo Hiệp ước.
Ngay sau khi quyết định được công bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi cho biết: “Quan điểm nhất quán và nguyên tắc của Ấn Độ là cơ cấu của cái gọi là tòa án trọng tài này trái với nội dung rõ ràng và tinh thần của Hiệp ước Nước sông Ấn”. Ông cho biết, Ấn Độ đang tham gia vào quá trình tố tụng của chuyên gia trung lập, mà ông gọi là ‘thủ tục duy nhất phù hợp với Hiệp ước tại thời điểm này’. “Ngụy biện pháp lý sẽ không buộc Ấn Độ tham gia vào quá trình tố tụng của PCA”, ông Arindam Bagchi nói. Ấn Độ cũng khẳng định, việc xây dựng các công trình thủy điện Kishanganga và Ratle trên sông Ấn được cho phép theo Hiệp ước song phương.
Còn Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết, nước này vẫn hoàn toàn cam kết thực hiện Hiệp ước Nước sông Ấn và cơ chế giải quyết của nó. Islamabad gọi đây là "thỏa thuận cơ bản" giữa hai nước. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pakistan Mumtaz Zahra Baloch hy vọng rằng, Ấn Độ cũng sẽ thực hiện Hiệp ước một cách thiện chí.