Tranh chấp Biển Đông được đề cập đến tại Đối thoại Shangri-La 11

Hội nghị năm nay thu hút số lượng kỷ lục đại biểu tham dự, với trên 350 đại biểu đến từ 28 nước châu Á-Thái Bình Dương

Tối 1/6, Hội nghị Cấp cao An ninh châu Á (còn gọi là Đối thoại quốc phòng Shangri-La) lần thứ 11 đã khai mạc tại Singapore với sự tham gia của 350 đại biểu là Bộ trưởng Quốc phòng, quan chức quốc phòng cấp cao và học giả tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đến từ 28 nước châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả các quan chức Anh, Pháp, Nga và Mỹ.

Chủ đề thảo luận của hội nghị kéo dài 3 ngày này gồm các chương trình hiện đại hóa quân sự, cân bằng lực lượng toàn cầu, cấu trúc an ninh khu vực, chống các mối đe dọa xuyên quốc gia, đối phó thảm họa thiên nhiên.

Trong số này, vấn đề Biển Đông cũng sẽ được đề cập. Ngoài đối thoại đa phương, Đối thoại Shangri-La cũng là cơ hội để quan chức quốc phòng cấp cao các nước tiến hành các cuộc gặp song phương.

Hội nghị năm nay thu hút số lượng kỷ lục đại biểu tham dự (Ảnh: Internet)
Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nhấn mạnh diện mạo địa chính trị ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện đã thay đổi rất nhiều, quan hệ giữa các nước và khu vực ngày càng được tăng cường, con đường hợp tác đối với mỗi quốc gia đều rộng mở, song vẫn còn tồn tại những thách thức và các vấn đề về an ninh trong khu vực. Theo ông, châu Á cần phải nắm bắt các cơ hội chiến lược nhằm xây dựng một cấu trúc hoà bình bền vững thông qua nỗ lực chung để mở ra sự hợp tác địa chính trị mới.

Phái đoàn hùng hậu của Mỹ tham dự Hội nghị năm nay do Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta dẫn đầu, bao gồm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey, Thứ trưởng Ngoại giao Dill Burns, Tư lệnh Thái Bình Dương - đô đốc Samuel Locklear và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương Mark Lippert. Ngoài ra, còn có một phái đoàn quốc hội Mỹ có mặt tại Singapore, bao gồm thành viên Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ John McCain, Thượng nghị sĩ Joe Lieberman và Hạ nghị sĩ Eni Faleomavaega, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện. Theo kế hoạch, ngày 2/6, ông Panetta sẽ có bài phát biểu về chiến lược của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Trung Quốc được xem là nước sẽ thu hút nhiều sự quan tâm tại Hội nghị lần này, tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Lương Quang Liệt lại quyết định không tham dự Hội nghị. Theo tờ The Strait Times, Bắc Kinh chỉ cử Trung tướng Nhậm Hải Tuyền, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc dẫn đầu phái đoàn của nước này.

Tờ Foreign Policy (Mỹ) cho rằng, như nhiều hội nghị loại này, những hành động thực sự sẽ diễn ra bên lề, trong một loạt các cuộc gặp song phương, hội nghị theo từng nhóm nhỏ và những cuộc gặp không chính thức về căng thẳng tại biển Đông với sự tham dự của các quan chức Trung Quốc và Philippines.

Những phiên họp đặc biệt khác sẽ bàn về vai trò của lực lượng vũ trang trong tình trạng khẩn cấp quốc tế, sự phát triển của chiến tranh tàu ngầm, chiến tranh mạng và sự xuất hiện của các hệ thống quân sự mới như là các phương tiện không người lái.

Mỹ, Nhật và Hàn Quốc sẽ tận dụng cơ hội để tổ chức hội nghị ba bên, nơi vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên dự kiến sẽ được mang ra thảo luận.

Indonesia, Australia và Ấn Độ sẽ tổ chức cuộc họp đa phương nhỏ, nhiều khả năng có cả Nhật.

Tờ Foreign Policy ước tính, sẽ có hơn 200 cuộc gặp song phương diễn ra tại Singapore cùng với khoảng một chục cuộc họp đa phương từng nhóm nhỏ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên