Tranh chấp tại Scarborough và quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines

Việc tăng cường quan hệ đồng minh chiến lược với Philippines giúp Mỹ đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến lược quay trở lại châu Á – TBD của mình

Cuộc hội đàm Liên Bộ Ngoại giao - Quốc phòng hai nước Philippines - Mỹ (2+2) diễn ra ngày 30/4 tại Washington (Mỹ) đúng vào thời điểm quan hệ Philippines và Trung Quốc đang căng thẳng do cuộc đối đầu ở bãi cạn Scarborough. Báo Daily Inquirer cho biết, tại cuộc hội đàm này, Mỹ và Philippines đều khẳng định liên minh hai nước là “mỏ neo của hòa bình, ổn định và thịnh vượng” tại châu Á - Thái Bình Dương.

Cuộc đột kích giả định diễn ra tại bờ biển đảo Palawan nằm hướng ra biển Đông, gần bãi cạn Scarborough của lính Mỹ và Philippines (Ảnh: Tân Hoa xã)
Củng cố quan hệ đồng minh chiến lược

Qua cuộc hội đàm hai nước đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh song phương. Mỹ sẽ củng cố năng lực quốc phòng cho Philippines ở mức đáng tin cậy tối thiểu thông qua các chương trình hỗ trợ an ninh. Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines ký năm 1951 vẫn được coi là nền tảng trong quan hệ an ninh.

Philippines - Mỹ đều khẳng định lợi ích chung trong việc duy trì tự do hàng hải, giao thương hợp pháp không bị đe dọa ở các tuyến hàng hải quốc tế. Ủng hộ giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển thông qua ngoại giao hòa bình, hợp tác trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Hai bên cũng thống nhất tiếp tục hợp tác xây dựng sức mạnh an ninh hàng hải của Philippines và củng cố nhận thức về hàng hải liên quan đến các vấn đề như đánh bắt trái phép, tội phạm xuyên biên giới, thảm họa thiên nhiên.

Mỹ hứa sẽ chuyển giao tàu chiến lớp Hamilton thứ hai cho Philippines trong năm nay. Đồng thời mở rộng các hoạt động tình báo, giám sát và do thám chung trong hệ thống giám sát bờ biển quốc gia của Philippines.

Trong lúc cuộc hội đàm Mỹ - Philippines đang diễn ra tại Washington thì tại Manila, Tổng thống Philippines Benigno Aquino khẳng định, Philippines sẽ tiếp tục vận dụng mọi công cụ luật pháp và ngoại giao để xử lý tranh chấp với Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough.

Được biết, trước đó Bắc Kinh đã bác bỏ đề nghị đưa cuộc xung đột ở Scarborough ra Tòa án luật biển quốc tế hoặc các diễn đàn quốc tế khác. Vì thế, việc giải quyết vấn đề bãi cạn Scarborough cũng được phía Mỹ đặc biệt quan tâm.

Quan điểm Mỹ về tranh chấp bãi cạn Scarborough

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi Philippines muốn Mỹ giúp đỡ dưới hình thức nào trong vụ tranh chấp ở bãi cạn Scarborough giữa Philippines với Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nói, Philippines muốn Mỹ ủng hộ đưa vụ này ra tòa án quốc tế.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, nước này sẽ giải quyết vụ tranh chấp bãi cạn Scarborough theo ba hướng: (1) Về chính trị dựa vào Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); (2) Về pháp lý sẽ áp dụng hai trong năm cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển; (3) Về ngoại giao sẽ đàm phán trực tiếp giữa hai nước Philippines - Trung Quốc.

Ngoại trưởng Hillary Clinton bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về căng thẳng đã kéo dài 3 tuần nay giữa Philippines và Trung Quốc về bãi cạn Scarborough mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Ngoại trưởng Clinton nói rằng, Hoa Kỳ ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho những tranh chấp lãnh thổ như vậy  và khẳng định Mỹ sẽ không đứng về bên nào trong tranh chấp. Tuy nhiên, bà khẳng định Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì tự do hàng hải, hòa bình và ổn định trong khu vực, bảo đảm tôn trọng pháp luật quốc tế và giao thương hợp pháp không bị đe dọa ở các tuyến hàng hải quốc tế này.

Một công bố được đưa ra sau các cuộc hội đàm cũng nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường khả năng tuần tra trên biển của Philippines theo một hiệp định quốc phòng song phương đã ký kết giữa hai nước cách đây hơn 60 năm (1951-2012).

Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh hàng hải

Được biết, sau khi Philippines ủng hộ mạnh mẽ “cuộc chiến chống khủng bố” của Mỹ năm 2001. Quân đội Philippines đã nhận được trợ giúp của Mỹ trong giai đoạn từ năm 2001-2008 lên tới 1,23 tỷ USD, bao gồm 218 triệu USD thông qua tài trợ quân sự nước ngoài. Việc Mỹ chỉ định Philippines là một “đồng minh ngoài NATO” vào năm 2003 đã mang lại cho nước này sự tiếp cận lớn hơn với trang bị và cung ứng quốc phòng của Mỹ.

Với sự trợ giúp của Mỹ, Philippines đã vạch ra chương trình nâng cấp các hoạt động của quân đội. Tuy nhiên, khả năng phòng thủ bên ngoài và giữ vững chủ quyền của họ ở Biển Đông vẫn tỏ ra rất yếu kém.

Vì thế, trong hội đàm lần này, Washington và Manila cũng đã đạt được thỏa thuận “tăng cường năng lực quốc phòng, giúp Philippines thiết lập một hệ thống phòng thủ đủ mạnh”. Mỹ và Philippines cũng cam kết sẽ hợp tác nhằm giúp Manila tăng cường năng lực và sức mạnh an ninh hàng hải, xử lý các vấn đề an ninh khu vực như đánh bắt cá trái phép, tội phạm xuyên quốc gia và thảm họa thiên nhiên.

Hai nước sẽ mở rộng các hoạt động tình báo, do thám dựa trên hoạt động của hệ thống giám sát bờ biển quốc gia Philippines để “phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống khác nhau”. Quân đội Mỹ và Philippines cũng sẽ tăng cường các cuộc tập trận chung như cuộc diễn tập “Vai kề vai” 2012. Sự hợp tác không giới hạn trong an ninh hàng hải và mở rộng ra cả lĩnh vực chống khủng bố.

Philippines đề nghị Mỹ hỗ trợ cụ thể để tăng cường năng lực tuần tra trên biển nhằm ngăn chặn những hành vi “xâm lấn”. Tuyên bố chung hai nước cho biết, trong năm nay, Mỹ sẽ cung cấp tàu tuần tra lớp Hamilton thứ hai cho Philippines. Ông Del Rosario cũng tiết lộ Manila đang tìm kiếm sự hỗ trợ của “các đối tác quốc tế khác”.

Trong bối cảnh tranh chấp bãi cạn Scarborough giữa Philippines và Trung Quốc đang diễn ra căng thẳng, cùng với những động thái tăng cường quan hệ đồng minh chiến lược giữa Philippines - Mỹ, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến lược quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, sự trùng hợp trên khiến dư luận quốc tế quan ngại về an ninh Biển Đông có thể nảy sinh thêm những vấn đề phức tạp mới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên