Triển vọng đàm phán Gaza mờ mịt, Liên đoàn Arab họp khẩn
VOV.VN - Đại diện các nước thành viên Liên đoàn Arab hôm qua (8/9) đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp tại thủ đô Cairo của Ai Cập để thảo luận về cuộc xung đột ở Gaza và cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra trong khu vực.
Trong bối cảnh triển vọng đàm phán ngừng bắn còn mịt mờ, đại diện các nước đã hối thúc các bên liên quan nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch phiên họp thứ 162 của Hội đồng Liên đoàn các quốc gia Arab đại diện thường trực của Mauritania Hussein Sidi Abdellah Deh đã nêu bật những khó khăn mà người dân Gaza đang phải đối mặt trong bối cảnh cuộc xung đột tại đây đã bước sang tháng thứ 12. Chủ tịch phiên họp thứ 162 của Hội đồng Liên đoàn các quốc gia Arab kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép bằng các hành động nhanh chóng và hiệu quả đối với các bên, đặc biệt là Israel nhằm sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng này:
"Chúng ta, với tư cách là các quốc gia, cộng đồng quốc tế và các tổ chức xã hội dân sự, phải hành động nhanh chóng và hiệu quả. Chúng ta cần tăng cường và đoàn kết nỗ lực để ngay lập tức và không chậm trễ chấm dứt mọi tội ác đang diễn ra trên đất Palestine. Chúng ta phải cung cấp nước, thuốc men và mọi nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống con người có phẩm giá cho những người phải di dời, tạo điều kiện cho người tị nạn trở về nhà, hỗ trợ các nỗ lực tái thiết và gây mọi áp lực có thể lên các bên, đặc biệt là Israel để đảm bảo tuân thủ các lệnh của Tòa án Công lý Quốc tế."
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh đàm phán về ngừng bắn ở Gaza đang lâm vào thế khó và việc việc đạt được một lệnh ngừng bắn hoặc khả năng lực lượng Ha-mát trả tự do cho các con tin Israel để đổi lấy tù nhân Palestin bị bắt giữ khá mong manh khi cả các bên đều giữ vững lập trường của mình.
Hiện lực lượng Ha-mát đang yêu cầu Israel rút quân hoàn toàn khỏi Gaza. Trong khi đó, về phía Israel, bất chấp sự phản đối của dư luận, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đến nay vẫn tuyên bố quân đội nước này phải ở lại hành lang Philadelphi, một dải đất quan trọng dọc biên giới Gaza-Ai Cập và là một phần quan trọng trong bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas. Tuyên bố của Israel được cho là đang đi ngược lại với quan điểm dư luận khu vực, trong đó có nước trung gian hòa giải là Ai Cập. Bởi Ai Cập đã nhiều lần tuyên bố không chấp nhận bất kỳ sự hiện diện nào của quân đội Israel tại Hành lang Philadelphi và yêu cầu trở lại nguyên trạng trước khi cuộc xung đột ở Gaza bắt đầu nổ ra vào tháng 10/2023.
Tại cuộc họp, các quốc gia Arab trong khu vực, bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Saudi Arabia, Qatar và Oman đều bày tỏ ủng hộ quan điểm của Ai Cập. Phát biểu tại cuộc họp, Đại diện thường trực của Yemen tại Liên đoàn Arab nhấn mạnh:
"Chính phủ Yemen lên án các tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu liên quan đến Hành lang Philadelphi. Những tuyên bố này bao gồm các tuyên bố biện minh cho các hành vi vi phạm luật pháp và chuẩn mực quốc tế đang diễn ra của Israel. Chính phủ Yemen bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết hoàn toàn với Ai Cập trong việc phản đối sự hiện diện của quân đội Israel tại Hành lang Philadelphi và cửa khẩu biên giới Rafa. Yemen hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực của Ai Cập nhằm đạt được lệnh ngừng bắn."
Trong bối cảnh đàm phán hoàn toàn bế tắc như hiện nay, Thủ tướng Israel đang hứng chịu những chỉ trích từ cả trong nước và quốc tế về việc chưa đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin với lực lượng Hamas của Palestine. Ngay cả Tổng thống Mỹ Joe Biden, đồng minh thân cận của Israel, cũng cho rằng Thủ tướng Israel “làm chưa đủ” để có đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.