Triển vọng mới cho sự hợp tác khu vực châu Á và châu Mỹ
Hội nghị Ngoại trưởng diễn đàn hợp tác các nước Đông Á và Mỹ Latin (FEALAC) vừa bế mạc chiều 17/1 tại Tokyo (Nhật Bản) với việc ra Tuyên bố chung về nhiều vấn đề quan trọng.
Trong 2 ngày diễn ra Hội nghị, Ngoại trưởng của 33 nước thành viên và Ngoại trưởng Mông Cổ tham gia với tư cách là quan sát viên đã tập trung trao đổi 3 chủ đề chính là: vấn đề biến đổi khí hậu,cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và các vấn đề xã hội.
Phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama nhấn mạnh tầm quan trọng của lộ trình mở rộng hợp tác trong khối FEALAC trong 10 năm tới. Thủ tướng Hatoyama cũng kêu gọi mọi thành viên FEALAC hãy viện trợ khẩn cấp cho Haiti - quốc gia vừa phải hứng chịu trận động đất kinh hoàng khiến hàng trăm ngàn người bị thiệt mạng.
Phát biểu tại phiên họp chung của Hội nghị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm đánh giá, hiện Đông Á và Mỹ Latin là hai khu vực phát triển năng động, đó là cơ sở thuận lợi để đưa Diễn đàn FEALAC đi vào hoạt động hiệu quả. Theo Phó Thủ tướng, FEALAC cần đảm bảo nguồn kinh phí để triển khai các chương trình và dự án hợp tác, kết hợp hiệu quả nguồn đóng góp của các thành viên trong Diễn đàn và sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á.
Toàn cảnh Hội nghị FEALAC 4 |
Diễn đàn FEALAC được thành lập năm 1999 do cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong khởi xướng nhằm mục tiêu tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác giữa các quốc gia Đông Á và châu Mỹ Latin. Hội nghị Ngoại trưởng FEALAC lần đầu tiên được tổ chức tại Chile vào tháng 3/2001. Hội nghị đã thông qua văn bản khung xác định mục tiêu, nguyên tắc hoạt động của diễn đàn FEALAC. Tiếp đó tháng 1/2004 tại Philippines, Hội nghị Ngoại trưởng FEALAC lần thứ hai đã thông qua Tuyên bố chung Manila đề ra kế hoạch hợp tác trong khối FEALAC trên hai lĩnh vực chính trị và kinh tế.
3 năm sau đó (tháng 8/2007), Hội nghị lần thứ ba được tổ chức tại Brazil đã thông qua Tuyên bố chung Barasilia trong đó nhấn mạnh sẽ rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển; giải quyết dần từng bước các vấn đề liên quan đến nghèo đói, mất cân bằng sinh thái; đấu tranh tới cùng với các tệ nạn ma túy, buôn bán phụ nữ trẻ em; áp dụng rộng rãi các công nghệ tiên tiến vào các chương trình hợp tác giữa các quốc gia trong khối FEALAC; tăng cường nguồn viện trợ ODA cho các quốc gia nghèo và quốc gia có thu nhập trung bình; thực hiện cơ chế trao đổi mậu dịch tư do và đa phương hóa nhằm đạt thỏa thuận cao nhất cho vòng đàm phán Doha của WTO.
Trong phiên bế mạc chiều 17/1, Ngoại trưởng của 34 nước đã thông qua tuyên bố chung Tokyo trong đó nhấn mạnh: Mọi thành viên FEALAC quyết tâm thực hiện mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, dựa trên nỗ lực của mỗi thành viên và nguyên tắc trách nhiệm chung trong cộng đồng FEALAC; thực hiện sáng kiến mang tên môi trường xanh OKADA nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường; chống phổ biến vũ khí hạt nhân, sớm nối lại vòng đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Thành quả của diễn đàn FEALAC đạt được trong 10 năm qua cũng như tại Hội nghị Ngoại trưởng FEALAC lần thứ 4 đang mở ra triển vọng hợp tác mới cho hai khu vực châu Á và châu Mỹ, đồng thời góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, ổn định và phồn vinh trên toàn thế giới./.