Triển vọng ứng dụng công nghệ tiêm vaccine Covid-19 không cần kim tiêm
VOV.VN - Các nhà khoa học Australia đang thử nghiệm một công nghệ tiêm vaccine ngừa bệnh Covid-19 mới hứa hẹn có thể giúp cung cấp vaccine tới các khu vực hẻo lánh trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả tiêm chủng.
Các nhà khoa học của Đại học Queensland, Australia đang phối hợp với Công ty công nghệ sinh học Vaxxas của nước này tiến hành thử nghiệm công nghệ tiêm vaccine Covid-19 không sử dụng kim tiêm.
Công nghệ này cho phép các nhà nghiên cứu sử dụng miếng dán sinh học có chứa một lớp vaccine khô sau đó dùng lực ép từ thiết bị tiêm để đưa vaccine vào các tế bào dưới bề mặt da. Bên cạnh việc không sử dụng kim tiêm, công nghệ đang được thử nghiệm trên chuột này còn có ưu điểm vượt trội đó là không cần bảo quản trong dây chuyền lạnh.
Theo Tiến sĩ David Muller, nhà virus học hàng đầu tại Australia, người tham gia phát triển phương pháp tiêm mới, vaccine ngừa Covid-19 được cung cấp thông qua miếng dán sinh học mật độ cao tạo ra phản ứng miễn dịch tốt hơn và nhanh hơn. Công nghệ này cũng cho thấy hiệu quả hơn đối với các biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 hiện nay.
Tiến sĩ Muller cho biết, điều đặc biệt là công nghệ vaccine 1 liều duy nhất này có thể giúp đẩy nhanh nỗ lực bao phủ vaccine Covid-19 trên toàn cầu, nhất là tại các quốc gia có thu nhập thấp và các khu vực thuộc vùng sâu vùng xa. Các thử nghiệm đến nay cho thấy khi được phủ trên miếng dán ở dạng khô, vaccine vẫn giữ được chất lượng ổn định ít nhất 30 ngày trong môi trường 25 độ C và 1 tuần nếu ở mức nhiệt 40 độ C. Do vậy, khi sử dụng công nghệ này vaccine sẽ không cần bảo quản trong các dây chuyền lạnh phức tạp và tốn kém như hiện nay.
Các nhà phát triển tin rằng khả năng ứng dụng của công nghệ mới là rất hứa hẹn. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đang tìm kiếm tài trợ để có thể tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người trong thời gian tới./.