Triều Tiên chọn phát triển kinh tế và tăng cường hạt nhân
(VOV) - Các quan chức Triều Tiên cho rằng đây là chiến lược phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Trong 2 ngày qua, CHDCND Triều Tiên đã triệu tập các hội nghị của Đảng Lao động và Hội nghị Nhân dân tối cao (Quốc hội), trong đó nhất trí thúc đẩy chiến lược phát triển kinh tế đi đôi với tăng cường khả năng hạt nhân.
Hội nghị Nhân dân tối cao (Quốc hội) Triều Tiên |
Các cuộc họp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục gia tăng trên bán đảo Triều Tiên khi mà Mỹ liên tiếp điều động máy bay và tàu chiến đến điểm nóng này.
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 1/4 đưa tin tại phiên họp kéo dài 1 ngày của Hội nghị Nhân dân Tối cao (Quốc hội), Triều Tiên đã tái bổ nhiệm cựu Thủ tướng Pak Pong-ju làm tân Thủ tướng nước này, thay ông Choe Yong-rim.
Ông Pak Pong-ju, 74 tuổi, đã được bổ nhiệm vào Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền. Ông từng giữ cương vị Thủ tướng Triều Tiên từ năm 2003 đến 2007. Ngoài việc bổ nhiệm Thủ tướng mới, Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên cũng đã thông qua một đạo luật nhằm củng cố vị thế của nước này với tư cách là một quốc gia hạt nhân phòng vệ cũng như thông qua luật phát triển vũ trụ và thành lập một cơ quan thăm dò vũ trụ quốc gia.
Cuộc họp của Quốc hội Triều Tiên diễn ra một ngày sau khi Ban lãnh đạo cấp cao của Đảng Lao động Triều Tiên dưới sự chủ trì của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đã tiến hành phiên họp toàn thể, nhất trí tiếp tục đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân song song với xây dựng kinh tế.
Hiện Triều Tiên đang phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt cứng rắn của cộng đồng quốc tế sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3. Tháng 2 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo áp đặt lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên, vì cho rằng ngân hàng này hỗ trợ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Các quan chức Triều Tiên cho rằng việc xây dựng kinh tế đi đôi với phát triển khả năng hạt nhân là chiến lược phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Ông Jang Il-ho, một quan chức Bộ công nghiệp nhẹ Triều Tiên cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực thúc đẩy xây dựng kinh tế khi mà Mỹ tiếp tục đe dọa chúng tôi với lực lượng hạt nhân của họ. Chiến lược mới phát triển kinh tế và xây dựng lực lượng vũ trang hạt nhân là hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay của tình hình”.
Các cuộc họp trên diễn ra trong bối cảnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên liên tục gia tăng căng thẳng, đặc biệt là sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố “tình trạng chiến tranh” với Hàn Quốc nhằm đáp trả các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ. Chính phủ Mỹ cho biết, nước này coi tuyên bố này là “hết sức nghiêm trọng” và sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Người phát ngôn Nhà trắng Jay Carney cho biết, hiện chưa phát hiện bất cứ việc triển khai hay điều động lực lượng quân sự lớn nào của Bình Nhưỡng: “Tôi muốn lưu ý rằng, bất chấp những lời lẽ đe đọa mà chúng ta nghe thấy từ Bình Nhưỡng, chúng tôi chưa thấy sự thay đổi nào của quân đội Triều Tiên như việc huy động hay bố trí lực lượng ở quy mô lớn. Chúng tôi vẫn duy trì cảnh giác và theo dõi sát sao tình hình hiện nay”.
Trong một diễn biến mới, hãng tin Mỹ CNN dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, Hải quân nước này đang điều động một tàu chiến và một trạm radar nổi áp sát bờ biển Triều Tiên nhằm theo dõi các chuyển động quân sự của nước này, bao gồm cả một vụ phóng tên lửa tiềm tàng.
Quyết định điều động tàu khu trục USS John S. McCain và trạm radar SBX-1 là đợt triển khai đầu tiên trong hoạt động tái bố trí của hải quân Mỹ. Tàu USS McCain được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis và có khả năng bắn hạ tên lửa.
Hiện Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành cuộc tập trận chung bất chấp các đe dọa và Hàn Quốc đã cảnh báo hôm 1/4 rằng bất kỳ sự khiêu khích nào từ phía Triều Tiên cũng sẽ châm ngòi cho một sự phản ứng mạnh mẽ mà không có bất kỳ sự toan tính chính trị nào./.