Hàn Quốc lên kịch bản chiến tranh mạng với Triều Tiên
(VOV) - Nội dung này đã được Tổng thống Park Geun-hye thông qua trong các chính sách của năm 2013.
Trang tin Yonhap ngày 1/4 dẫn tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Bộ này đang huy động tối đa lực lượng đối phó với các cuộc tấn công mạng quy mô lớn đồng thời lên các kịch bản hợp tác với Mỹ nhằm ứng phó với các mối đe dọa ngày càng tăng.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc phát triển các kế hoạch răn đe với các cuộc tấn công mạng của Triều Tiên |
Thông báo của Bộ này cho biết Tổng thống Park Geun-hye đã thông qua nội dung này cùng với các mục tiêu an ninh khác trong chính sách năm 2013 nhằm đánh giá các mối đe dọa của Triều Tiên.
Bộ này cho biết sẽ phát triển các kế hoạch mang tính răn đe nhằm đối phó với các cuộc tấn công mạng khác nhau để sẵn sàng chống lại bất cứ cuộc tấn công vô cớ nào kể cả trong thời điểm chiến tranh cũng như hòa bình.
Các yêu cầu về tăng cường lực lượng đối phó với chiến tranh mạng ngày căng tăng, đặc biệt sau các cuộc tấn công gần đây vào đài truyền hình và các ngân hàng cho thấy mức độ đáng báo động về các cuộc tấn công mạng ở Hàn Quốc. Danh tính của người hoặc nhóm đứng đằng sau các cuộc tấn công vẫn còn đang được điều tra, nhưng các quan chức quân đội Hàn Quốc suy đoán nhiều khả năng có liên hệ với Triều Tiên, bởi nước này đã nhiều lần đe dọa sẽ khởi động các cuộc tấn công mạng vào Seoul nhằm phản đối các cuộc tập trận chung hàng năm của Mỹ-Hàn và các lệnh trừng phạt nhằm vào vụ thử hạt nhân mới của nước này. "Chúng tôi sẽ hợp tác với Hoa Kỳ để chuẩn bị các biện pháp công nghệ, chính sách và thông tin trên mạng", một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng cho biết.
Hàn Quốc hiện có khoảng 400 nhân viên dưới sự điều hành của một Bộ chỉ huy mạng, một đơn vị đặc biệt được thành lập vào đầu năm 2010. Trong khi đó, phía Triều Tiên được cho là cũng có một đơn vị chuyên về tấn công mạng với khoảng 3.000 hacker siêu đẳng, được đào tạo để đột nhập vào các mạng máy tính lấy cắp thông tin và làm lây lan virus máy tính.
Với các mối đe dọa ngày càng tăng, Hàn Quốc và lực lượng Mỹ sẽ dự thảo một chiến lược răn đe phù hợp sớm nhất vào đầu tháng 7 để kiểm tra và xem xét trong các cuộc tập trận chung tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối tháng 8. Quân đội của hai nước sẽ cùng ký vào bản kế hoạch này trong tháng 10 khi Bộ trưởng Quốc phòng hai nước tham dự cuộc họp tư vấn an ninh (SCM) hàng năm tại Seoul.
Trên thực tế, các tham vấn song phương đã được tiến hành nhằm tăng cường khả năng răn đe về hạt nhân đối với Triều Tiên từ năm 2012, tuy nhiên vụ thử hạt nhân lần 3 của Bình Nhưỡng vào tháng 2 vừa qua đã buộc giới quân sự Mỹ-Hàn phải chuẩn bị một chiến lược phù hợp hơn để đối phó với những thách thức từ Triều Tiên.
Các nhà lãnh đạo quân sự Hàn Quốc cho biết họ đã từng xem xét tới kế hoạch phá hủy các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên trước khi nước này mở một cuộc tấn công hạt nhân vào Hàn Quốc.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng cam kết sẽ đẩy nhanh kế hoạch triển khai các hệ thống tên lửa đạn đạo cũng như các hệ thống đánh chặn tên lửa tiên tiến được thiết kế để phát hiện và tiêu diệt tên lửa đối phương.
Hàn Quốc cũng đã đặt ra nỗ lực để phát triển các hệ thống tên lửa tầm xa sau khi Seoul và Washington vào tháng 10/2012 đồng ý tăng tầm bắn của tên lửa tầm xa lên gấp 3 lần, đến 800km để ngăn chặn tốt hơn các mối đe dọa của Triều Tiên. Ngoài ra, quân đội Hàn Quốc cũng thúc đẩy việc áp dụng các vệ tinh do thám quân sự để theo dõi Triều Tiên chặt chẽ hơn và tích hợp với chương trình lá chắn phòng thủ tên lửa được đặt tên là Hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa Hàn Quốc (KAMD).
Hàn Quốc hiện đang vận hành hệ thống vệ tinh đa năng Arirang-3, cung cấp thông tin địa lý trên bán đảo Triều Tiên, bao gồm cả tên lửa và các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn phải dựa vào hệ thống tình báo Mỹ do hệ thống Arirang-3 vẫn còn nhiều hạn chế.
Hai miền Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng chiến tranh do Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 mới chỉ kết thúc bằng một Hiệp định đình chiến, chứ không phải một hiệp ước hòa bình./.