Trung bình mỗi năm có 350 người tại New York chết vì nắng nóng
VOV.VN - Nắng nóng gay gắt đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới từ châu Á, Trung Đông, đến châu Âu, Bắc Mỹ. Hàng chục ca tử vong đã xảy ra liên quan đến thời tiết nắng nóng. Nhiều nơi chính quyền đã kích hoạt các biện pháp ứng phó để cứu người cũng như cảnh báo cư dân cũng như du khách cách bảo vệ bản thân trước các đợt nắng nóng đến sớm bất thường vào đầu mùa hè.
Chịu bị bỏng hoặc ngạt thở - đó là 2 lựa chọn của cư dân Bắc Kinh khi nói về thời tiết nắng nóng khắc nghiệt hiện nay tại thành phố này. Để tránh cháy nắng, người dân Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 17/6 chấp nhận khoác trên người nhiều đồ bảo hộ như gồm mũ, áo và ô chống tia cực tím, dù có chút khó chịu. Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc cảnh báo nhiều vùng trên cả nước hứng chịu nắng nóng ngột ngạt, trong khi nhiều tỉnh phía Nam đưa ra cảnh báo lũ lụt nghiêm trọng do mưa lớn.
Các thành phố của Mỹ cũng đang phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ khi một đợt nắng nóng kéo dài từ miền Trung đến miền Đông với cảnh báo tình trạng nắng nóng năm nay có thể gây chết người tương tự như năm ngoái.
Khoảng 80 triệu người từ Indiana đến New England nằm trong vùng cảnh báo nắng nóng khắc nghiệt. Thống đốc bang New York Kathy Hochul đã kích hoạt Trung tâm Điều hành Khẩn cấp của bang để ứng phó với nhiệt độ cao có thể kéo dài đến cuối tuần. Bang New York sẽ mở cửa các bãi biển và hồ bơi công cộng sớm để người dân có thể tận hưởng kỳ nghỉ lễ của tiểu bang. Theo kế hoạch khẩn cấp ứng phó với nắng nóng, Thành phố New York sẽ mở các trung tâm làm mát lần đầu tiên trong năm nay.
Ông Hochul nói: “Các trung tâm làm mát sẽ mở cửa bắt đầu từ ngày mai và chúng tôi dự kiến nắng nóng cao điểm vào ngày 20 và 21 tháng 6. Chỉ số nhiệt có thể đạt tới trên 37 độ C. Hiệu ứng tích lũy của nắng nóng kéo dài có thể đặc biệt nguy hiểm, vì khả năng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể ngày càng trở nên căng thẳng. Trên thực tế, nhiệt độ cực cao là hiện tượng thời tiết nguy hiểm nhất mà chúng ta gặp phải ở thành phố New York. Trung bình mỗi năm có hơn 350 người dân New York thiệt mạng do nắng nóng”.
Chính quyền các bang của Mỹ đưa ra cảnh báo người dân tránh để mất nước, kiệt sức, vì tình trạng đó sẽ làm trầm trọng thêm các bệnh nền như các vấn đề về tim mạch. Cảnh báo nhiệt độ cao gây cháy rừng cũng được ban hành trên khắp miền Nam và miền Trung Canada, khi nhiệt độ tăng vọt lên tới 35 độ C.
Nguy hiểm nhất về tính mạng lúc này là những người Hồi giáo đang thực hiện chuyến hành hương hàng năm tới thánh địa Mecca ở Saudi Arabia giữa cái nóng thiêu đốt. Theo truyền thông Saudi Arabia, ngay cả trong bóng râm tại Nhà thờ Hồi giáo Lớn ở Mecca, nhiệt độ hôm 17/6 là 51,8 độ C. Thống kê ban đầu cho thấy, ít nhất 550 người đã thiệt mạng trong lễ hành hương và hầu hết liên quan đến nhiệt độ cao. Bộ Y tế Saudi Arabia cho biết cho đến nay, Bộ đã điều trị cho hơn 2.700 người hành hương mắc bệnh liên quan đến nhiệt. Chính quyền Saudi Arabia cảnh báo những người hành hương phải uống đủ nước và tránh ra ngoài trời trong những giờ nóng nhất từ 11h trưa đến 15h chiều.
Các ca tử vong cũng xảy ra trên các đảo du lịch của Hy Lạp khi nhiệt độ tăng vọt lên trên 40 độ C vào đầu tháng này. Đợt nắng nóng diễn ra sớm cùng hàng loạt vụ mất tích và tử vong của khách du lịch trên khắp đất nước Địa Trung Hải, cho thấy sự nguy hiểm của việc tiếp xúc với nhiệt độ cao. Hôm qua (18/6) một du khách Mỹ 55 tuổi được phát hiện đã chết tại đảo Corfu (Hy Lạp) và đây là cái chết của du khách thứ 3 trong vòng một tuần trên đảo do thời tiết nóng bất thường.
Các nhóm môi trường cho biết, nhiệt độ dự kiến sẽ tăng cao trở lại vào mùa hè năm nay ở châu Âu, sau khi lập kỷ lục vào năm 2023. Đặc biệt mức nhiệt cao vào dịp Thế vận hội Paris diễn ra vào tháng 7 tới có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của các vận động viên.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, chiến lược ứng phó của các quốc gia hiện hay chưa theo kịp tốc độ nắng nóng. Rút bài học từ Ấn Độ, các đô thị nên tránh rơi vào "bẫy nhiệt" khi tốc độ tăng trưởng đô thị nhanh làm giảm diện tích đất ngập nước và các vùng nước tự nhiên như sông, hồ cùng lượng khí thải nhà kính không ngừng tăng lên. Các đô thị cần đề ra kế hoạch dài hạn như tăng cường khả năng cách nhiệt của các tòa nhà, phát triển nơi ở cho người nghèo đô thị và cư dân khu ổ chuột, đồng thời đầu tư vào các vùng nước làm mát như sông hồ.