Trừng phạt Iran: Ai được, ai mất?
Nếu Mỹ và phương Tây vẫn đơn phương chống Iran, thế giới có nguy cơ bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng và đình trệ kinh tế khác
Lệnh trừng phạt lĩnh vực dầu mỏ Iran của EU chính thức có hiệu lực ngày 1/7. Trước đó, Mỹ cũng tăng cường biện pháp trừng phạt đối với các công ty nước ngoài làm ăn với Ngân hàng Trung ương Iran. Chưa rõ liệu các lệnh trừng phạt này sẽ phát huy tác dụng tới đâu trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran nhưng rõ ràng, hệ lụy của nó đối với luồng thương mại dầu mỏ tự do của thế giới đã bị tác động rõ rệt, đặc biệt đối với những nền kinh tế đang “đói năng lượng”. Thêm vào đó, đây cũng là những rào cản đối với cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân vốn đang bế tắc giữa Iran và nhóm P5+1.
Ngày 28/6 vừa qua, Mỹ đã bắt đầu thực thi các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các định chế tài chính tại những nước nhập khẩu dầu thô của Iran, nhằm gây sức ép buộc Tehran phải từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Với các biện pháp này, Mỹ chủ trương bóp nghẹt nguồn lực tài chính của Iran bằng cách hạn chế các hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước này. Cùng với Mỹ, EU cũng đã chính thức thông qua quyết định áp dụng đầy đủ lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nhà nước Hồi giáo từ ngày 1/7.
Iran còn có thể chống chịu được các lệnh cấm cho tới chừng nào phương Tây vẫn còn phải cần tới dầu thô và khí đốt tự nhiên của họ giống như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang cần. (Ảnh: the Guardian) |
Ngay lập tức, để phản ứng lại, Iran cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ là yếu tố phá hỏng các cuộc đàm phán giữa nước này và nhóm P5+1. Theo dự kiến, cuộc gặp tiếp theo giữa Iran và P5+1 sẽ diễn ra vào ngày 3/7 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Hai cuộc đàm phán trước đó vốn đã không mang lại kết quả nào. Rõ ràng khi các lệnh trừng phạt đồng loạt có hiệu lực, cũng là lúc căng thẳng giữa Iran và các nước phương Tây được đẩy thêm một nấc và dự báo tương lai của các cuộc đàm phán sắp tới sẽ chẳng dễ dàng gì.
Thêm vào đó, nếu nhìn từ góc độ “được và mất” từ các lệnh trừng phạt này, còn có nhiều điều phải suy nghĩ. Lâu nay, các quan chức Iran vẫn tin rằng “các lệnh trừng phạt không phải là phép tính hòa”, và họ còn có thể chống chịu được các lệnh cấm cho tới chừng nào phương Tây vẫn còn phải cần tới dầu thô và khí đốt tự nhiên của họ (giống như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang cần).
Về phần mình, châu Âu dường như cũng đã chuẩn bị khá kỹ cho kịch bản chấm dứt nhập khẩu dầu từ Iran. Theo tính toán của họ, các biện pháp trừng phạt sẽ làm quốc gia vùng vịnh tổn thất nặng nề hơn các nước châu Âu. Còn với Mỹ, quốc gia đi đầu trong các chiến dịch chống lại Iran cũng tuyên bố không chịu ảnh hưởng gì từ lệnh trừng phạt này, bởi từ lâu Mỹ đã không còn nhập dầu từ Iran.
Trong khi những "nhân vật chính" trong "cuộc chơi" tỏ ra có lý trong những quyết định của mình thì “nạn nhân” của cuộc chơi này lại chính là những nền kinh tế “ốm yếu” và đang “khát năng lượng”. Tình thế dồn ép khiến nhiều nước phải đứng trước 2 lựa chọn, một là ngưng nhập dầu từ Iran để tránh các lệnh trừng phạt từ Mỹ và các nước phương Tây, hoặc đối đầu với những lệnh trừng phạt đó. Cho dù thế nào, cả hai cách đó cũng không phải là giải pháp tối ưu cho các quốc gia đang phát triển năng động ở châu Á, hay những nước đang oằn mình vì nợ công ở châu Âu.
Nhà phân tích độc lập tại California, Charles Garry cho rằng: thế giới đang phải đối mặt với mối đe dọa đến từ những hành động can dự của Mỹ vào lĩnh vực thương mại tự do giữa các nước độc lập, gây mất ổn định nền thương mại toàn cầu. Và nếu Mỹ và phương Tây vẫn đơn phương chống Iran, nguy cơ đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng và đình trệ kinh tế khác là hoàn toàn có thể./.