Trung Quốc – Châu Phi: hợp tác chiến lược cùng có lợi

Từ những năm 50 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã thực hiện chính sách hướng về Châu Phi và đã xây dựng quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước ở châu lục này.

Diễn đàn hợp tác Trung Quốc Châu Phi lần thứ 4 sẽ khai mạc vào ngày 8 và 9/11 tới tại thành phố Samr El Sheikh, Ai Cập. Đây là dịp để các bên điểm lại các cam kết hợp tác đưa ra tại Bắc Kinh năm 2006 và thảo luận các biện pháp thúc đẩy mối quan hệ chiến lược này.

Từ Diễn đàn hợp tác lần thứ nhất được tổ chức năm 2000 đến nay, mối quan hệ chiến lược Trung Quốc- Châu Phi đã có những phát triển lớn mạnh, đặc biệt trong trao đổi thương mại, đầu tư, hợp tác văn hoá… Rất nhiều câu hỏi được đưa ra như: Lý do và mục đích mà Trung Quốc quan tâm tới Châu Phi? Các nguyên tắc quan hệ Trung Quốc- Châu Phi? Chiến lược của Trung Quốc trong việc thực hiện các mục tiêu của mình ở châu lục đen?

Từ những năm 50 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã thực hiện chính sách hướng về Châu Phi và đã xây dựng quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước ở châu lục này, đặt Đại sứ quán tại 49/54 nước.

Mối quan hệ này ngày càng được củng cố, phát triển và nâng lên mức quan hệ chiến lược. Hai bên đã tổ chức Diễn đàn hợp tác Trung Quốc- Châu Phi năm 2000 tại Bắc Kinh. Đây là nền tảng của mối quan hệ hai bên, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, chính trị và cả quân sự mà hai bên cùng quan tâm. Diễn đàn cấp cao Trung Quốc - Châu Phi diễn ra 3 năm một lần luân phiên giữa Trung Quốc và một nước Châu Phi nhằm đánh giá lại các cam kết hợp tác và đề ra các biện pháp thúc đẩy quan hệ chiến lược.

Chiến lược hướng tới Châu Phi của Trung Quốc được đánh giá là đúng đắn bởi đây là khu vực có 800 triệu dân, đứng thứ 2 trên thế giới về dân số, có nguồn dầu mỏ và tài nguyên thiên nhiên như đồng, vàng, gỗ. Nhu cầu về dầu mỏ của Trung Quốc ngày càng tăng để đáp ứng sự phát triển về kinh tế. Điều này khiến họ ngày càng phụ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu. Trung Quốc đã trở thành nước tiêu thụ dầu mở lớn thứ 2 trên thế giới sau Mỹ. Điều này khiến Bắc Kinh phải tăng cường nhập khẩu dầu và khí đốt. Trong khi dầu mỏ ở Châu Á không đáp ứng đủ nhu cầu của Trung Quốc, còn dầu mỏ từ Trung Đông xuất sang Mỹ và các nước Châu Âu. Do đó, Trung Quốc phải tìm kiếm nguồn dầu mỏ khác từ Châu Phi. Khu vực chiếm 8% dự trữ dầu mỏ toàn cầu và chi phí khai thác rẻ. Hiện nay, châu lục này đã đáp ứng 25% nhu cầu về dầu mỏ của Trung Quốc. 6 nước cung cấp dầu cho Trung Quốc là Algeria, Sudan, Chad, Gabon, Guinea Xích đạo, Angola và Nigeria. Ngoài nguồn dầu mỏ, Trung Quốc nhập khẩu 70% gổ từ rừng châu phi, cũng như số lượng lớn sắt và đồng từ Zimbabwe và Nam Phi, carbon tại Cộng hòa Dân chủ Congo, gỗ từ Gabon, Cameroon, Congo…

Không chỉ đầu tư vào dầu mỏ, Trung Quốc đa dạng hoá các dự án kinh tế như các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đường, cầu cống, trường học, nhà máy, nông nghiệp…Trong khi Mỹ chỉ quan tâm tới dầu mỏ. Trung Quốc cũng tăng cường thực hiện các dự án với chất lượng cao và chi phí thấp nhằm cạnh tranh với các nước Châu Âu. Điều này đã giành được sự hoan nghênh của các nhà lãnh đạo Châu Phi.

Châu Phi còn là thị trường xuất khẩu lớn của Trung Quốc. Hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Châu Phi cũng nhận được nhiều sự ưu đãi. 190 tới 440 mặt hàng của Trung Quốc sang khu vực này được miễn thuế quan. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba ở châu lục này sau Mỹ và Pháp. Trong 5 năm qua, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Châu Phi ngày càng được cải thiện. Kim ngạch thương mại Trung Quốc Châu Phi tăng từ 1 tỉ USD năm 1999 lên 40 tỉ USD năm 2005 và tăng lên 106,8 tỉ USD năm 2008 (tăng 250%).

Cùng với việc tăng cường hợp tác thương mại, Trung quốc tăng cường đầu tư vào Châu Phi. Tổng vốn đầu tư tới cuối năm 2008 vượt 100 tỉ USD và trở thành nước đầu tư lớn nhất tại Châu Phi. Quỹ phát triển Trung Quốc Châu Phi được xây dựng với số vốn là 5 tỉ USD nhằm để khuyên khích các công ty Trung Quốc đầu tư vào Châu Phi và hỗ trợ phát triển. Ngoài ra, Trung Quốc đã cũng tăng cường viện trợ không điều kiện cho các nước Châu Phi, cũng như đã xoá 168 khoản nợ cho 33 nước Châu Phi nghèo nhất năm 2005…

Trung Quốc là nước đông dân trên thế giới. Do đó, việc mở rộng hợp tác, đầu tư vào Châu Phi giúp nước này đưa một số lượng lớn lao động, công nhân, kỹ sư, chuyên gia sang Châu Phi định cư. Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là đưa khoảng 300 triệu người sang châu Phi để giải quyết vấn đề dân số.

Hợp tác giáo dục, khoa học, công nghệ, y tế và thể thao, du lịch giữa Trung Quốc và Châu Phi ngày càng phát triển. Trong ba năm 2006-2009, Trung Quốc xây dựng 30 bệnh viện, trung tâm điều trị, cung cấp vaccine cho một số nước Châu Phi, đồng thời cử chuyên gia, bác sỹ giỏi, tình nguyện viên tới giúp đỡ, đào tạo 15 chuyên gia, cử hàng 100 chuyên gia về nông nghiệp tới Châu Phi. Xây dựng hàng trăm trường học và cấp học bổng cho hàng nghìn sinh viên Châu Phi.

Khác với Mỹ và các nước Phương Tây, Trung Quốc hiểu được nhu cầu của các nước Châu Phi và có thể bảo vệ lợi ích của châu lục này trên trường quốc tế. Trung Quốc đã xây dựng quan hệ với các nước châu phi không phân biệt dân chủ hay nhân quyền. Đó là lý do vì sao nước này nhận được sự ủng hộ của các Châu Phi không như Mỹ. Sự ủng hộ này đã giúp Trung Quốc giành chiến thắng trong các hợp đồng kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, tài nguyên thiên nhiên từ Sudan, Angola, Nigeria và Gabon.

Châu Phi cũng có vai trò, tiếng nói và ảnh hưởng trên trường quốc tế. Do đó, ngoài lợi ích kinh tế, mối quan hệ chiến lược Trung Quốc - Châu Phi sẽ hỗ trợ cho vai trò và vị trí của Trung Quốc tại LHQ và HĐBA, cũng như trong các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Bên cạnh đó, mối quan hệ này cũng tạo sự cân bằng trong quan hệ quốc tế giữa Trung Quốc và các nước lớn như Mỹ và Nga. Có thể thấy, ngay sau chuyến thăm hồi đầu năm của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Mỹ và Tổng Thống Nga cũng có chuyến thăm tới châu lục này.  

Để củng cố mối quan hệ chiến lược này, Trung Quốc và Châu Phi thường xuyên trao đổi đoàn thăm cấp cao và ký các hợp đồng, thoả thuận. Nhiều chuyến thăm của các quan chức cấp cao Trung Quốc tới các nước Châu Phi không phải vì dầu mỏ hay thương mại mà là mở rộng quan hệ hợp tác. Hồi đầu tháng 2 vừa qua, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có chuyến thăm 4 nước Châu Phi là Mali, Senegal, Tanzania và Mauritania. Chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ Trung Quốc - Châu Phi. Mối quan hệ này dựa trên các nguyên tắc và đề xuất chung, trong đó hai bên có nguyên tắc bình đẳng, tin tưởng lẫn nhau, mở rộng trao đổi văn hoá cùng có lợi. Hai bên tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế.

Vai trò và vị trí của Trung Quốc ở Châu Phi ngày nay đã cho thấy sự lựa chọn đúng đắng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Ngoài lợi ích kinh tế từ dầu mỏ, tài nguyên thiên nhiên và thương mại, mối quan hệ chiến lược Trung Quốc Châu Phi đã góp phần củng cố vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế. Với Châu Phi, quan hệ hợp tác với Trung Quốc giúp các quốc gia trong châu lục này ngày càng phát triển, đặt biệt là về thương mại, cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, cũng như củng cố vị trí của mình ở khu vực và quốc tế. Đây thực sự là mối quan hệ hai bên chiến lược đôi bên cùng có lợi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên