Trung Quốc chỉ trích chính sách phát triển vũ khí hạt nhân của Mỹ
VOV.VN - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Mỹ nợ thế giới một lời giải thích về kho vũ khí lớn của nước này.
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn Triệu Lập Kiên cho rằng, Mỹ nợ cộng đồng quốc tế một lời giải thích về kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Người phát ngôn Triệu Lập Kiên cho rằng, với tư cách là quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất, hiện đại nhất, Mỹ không chỉ đang đi ngược lại với nhận thức chung của cộng đồng quốc tế, từ chối “trách nhiệm đặc biệt và ưu tiên cao đối với giải trừ hạt nhân”, ngược lại còn tái diễn tư duy chiến tranh lạnh, cổ xúy cạnh tranh nước lớn, rút khỏi một loạt các hiệp ước về kiểm soát vũ khí, đồng thời tăng cường xây dựng sức mạnh hạt nhân của mình.
Ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh, những hành vi của Mỹ đã phá hoại nghiêm trọng sự tin cậy chiến lược giữa các bên, gia tăng nguy cơ hạt nhân trên toàn thế giới.
Ông Triệu Lập Kiên nói: “Mỹ cần phải nhìn thẳng vào vấn đề quan tâm của cộng đồng quốc tế, có những hành động thiết thực thể hiện trách nhiệm của nước lớn, dừng ngay việc phá hoại các Hiệp ước kiểm soát vũ khí quốc tế cũng như gây nguy hại đến sự ổn định chiến lược toàn cầu”.
Phản ứng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được cho là nhằm vào nội dung mới được tiết lộ trong cuốn sách “Cơn thịnh nộ” xoay quanh các cuộc phỏng vấn của nhà báo Bob Woodward đối với Tổng thống Donald Trump từ tháng 12/2019 cho đến tháng 7/2020, trong đó có đoạn Tổng thống Trump khẳng định, Mỹ sở hữu vũ khí hạt nhân mà chưa nước nào từng có.
Cùng với chiến tranh thương mại, khoa học công nghệ... thì kiểm soát vũ khí hạt nhân cũng đang trở thành trận địa mới trong đối đầu Mỹ - Trung. Tổng thống Mỹ Trump cho rằng, khả năng hạt nhân và tên lửa của Trung Quốc đang được củng cố và hiện đại hóa là mối đe dọa ngày càng lớn đến Mỹ và các đồng minh. Trên thực tế, từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền đến nay, Mỹ đã liên tục rút khỏi các hiệp ước kiểm soát vũ khí đã ký kết như Thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và mới đây là Hiệp ước bầu trời mở, đồng thời yêu cầu Trung Quốc phải cùng tham gia đàm phán với Washington và Moscow để gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START mới), vốn sẽ hết hiệu lực từ tháng 2/2021, tuy nhiên yêu cầu này luôn vấp phải sự từ chối của Trung Quốc khi cho rằng Mỹ đang đùn đẩy trách nhiệm sang các nước khác về vấn đề vũ khí hạt nhân.
Theo một báo cáo mới đây của Trung tâm nghiên cứu về loại bỏ vũ khí hạt nhân của Đại học Nagasaki (Nhật Bản), kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ước tính vào khoảng 320 đầu đạn hạt nhân, trong khi đó số đầu đạn hạt nhân Nga sở hữu lên tới 6.370 và của Mỹ là 5.800./.