Trung Quốc công bố lập trường 12 điểm về xung đột ở Ukraine
VOV.VN - Bộ Ngoại giao Trung Quốc sáng nay (24/2) vừa công bố tài liệu lập trường về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine gồm 12 điểm, trong đó phản đối sử dụng vũ khí hạt nhân, kêu gọi Nga và Ukraine ngừng bắn và nối lại đàm phán.
12 nội dung cơ bản được ra trong tài liệu bao bồm: tôn trọng chủ quyền của các quốc gia; từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh; ngừng bắn và đình chiến; nối lại đàm phán hòa bình; giải quyết khủng hoảng nhân đạo; bảo vệ dân thường và tù binh chiến tranh; bảo vệ an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân; giảm thiểu rủi ro chiến lược; đảm bảo vận chuyển lương thực; chấm dứt trừng phạt đơn phương; bảo đảm ổn định chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng; thúc đẩy tái thiết sau xung đột.
Bắc Kinh cho rằng “an ninh khu vực không thể được bảo đảm bằng cách tăng cường thậm chí mở rộng các khối quân sự”. Các lợi ích và mối quan tâm an ninh hợp lý của các quốc gia đều cần được coi trọng và giải quyết thỏa đáng. “Cần tuân thủ một khái niệm an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững..., thúc đẩy xây dựng một cấu trúc an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững, phản đối việc xây dựng nền an ninh của chính mình trên cơ sở sự mất an ninh của quốc gia khác”.
Tài liệu nêu rõ: “Các bên cần duy trì lý trí và kiềm chế, không đổ thêm dầu vào lửa, không kích động mâu thuẫn, tránh để cuộc khủng hoảng Ukraine trầm trọng hơn thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát, ủng hộ Nga và Ukraine cùng nhìn về một hướng, sớm nối lại đối thoại trực tiếp, từng bước thúc đẩy tình hình hạ nhiệt lắng dịu và cuối cùng đạt được ngừng bắn toàn diện”.
Tài liệu cũng nhấn mạnh: “Đối thoại đàm phán là lối thoát khả thi duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine”.
Bên cạnh đó, Trung Quốc phản đối việc sử dụng và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, kêu gọi duy trì an toàn tại các nhà máy điện nguyên tử và chống phổ biến vũ khí hạt nhân, cũng như yêu cầu bảo vệ người dân vô tội. Tài liệu có đoạn: “Các bên xung đột cần tuân thủ nghiêm luật nhân đạo quốc tế, tránh tấn công dân thường hoặc các cơ sở dân sự”.
Tài liệu phản đối các lệnh cấm vận đơn phương không được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua, đồng thời kêu gọi các bên duy trì hệ thống kinh tế thế giới hiện có, “phản đối việc chính trị hóa, công cụ hóa và vũ khí hóa nền kinh tế thế giới”.
Trước đó, hôm 21/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương bày tỏ quan ngại xung đột ở Ukraine đang “leo thang thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát”. Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị cũng đã gặp Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức, đồng thời gặp Tổng thống Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov trong chuyến thăm Nga sau đó trước khi công bố tài liệu lập trường về cuộc xung đột tại Ukraine./.