Trung Quốc đáp trả lệnh cấm xuất khẩu của phương Tây
VOV.VN - Lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc đối với gali và germani - hai kim loại quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn và tấm pin mặt trời, đã chính thức có hiệu lực từ ngày hôm qua (1/8). Bước đi là nhằm trả đũa các động thái tương tự của Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản đối với xuất khẩu một số máy in chíp tiên tiến.
Bắt đầu từ tháng 8 này, các nhà xuất khẩu sẽ phải xin giấy phép từ Bộ Thương mại Trung Quốc nếu muốn bắt đầu hoặc tiếp tục xuất khẩu gali và germani ra nước ngoài. Họ sẽ phải báo cáo chi tiết về người mua ở nước ngoài cũng như mục đích sử dụng hai kim loại của người mua. Theo Chính phủ Trung Quốc, lệnh cấm xuất khẩu này là nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, phù hợp với luật pháp và không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho biết: “Trung Quốc luôn cam kết duy trì an ninh và ổn định của chuỗi cung ứng, cũng như sản xuất toàn cầu, đồng thời luôn thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử, phù hợp với thông lệ quốc tế”.
Cuộc chiến thương mại “ăn miếng trả miếng” giữa Trung Quốc và phương Tây diễn ra trong bối cảnh cuộc chạy đua trợ cấp toàn cầu để tái sản xuất và đảm bảo sản xuất vi mạch.
Theo các nhà phân tích thuộc công ty nghiên cứu Wood Mackenzie, nếu quy trình cấp phép hạn chế việc cung cấp nguyên liệu thô cho các nhà sản xuất chip bên ngoài Trung Quốc, điều này sẽ ảnh hưởng đến các thị trường sử dụng cuối, chẳng hạn như xe điện”. Điều đó gợi lại ký ức về tình trạng thiếu chip vào năm 2020 và 2021, khiến thời gian chờ giao xe tăng lên. Trong số những quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương ở châu Âu do lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc là Hà Lan và Đức- nhà nhập khẩu gali lớn thứ hai sau Nhật Bản.
Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nước này đang cố gắng để trở nên ít phụ thuộc hơn vào nguồn cung cấp chất bán dẫn từ các khu vực khác.
“Một tín hiệu đáng mừng cho thấy rất nhiều công ty nội địa và quốc tế đang chọn Đức để mở rộng sản xuất chất bán dẫn. Như tại bang Saarland có công ty Wolfspeed hay Dresden nơi đã có Thung lũng Silicon, Infineon đã công bố và tiến hành một khoản đầu tư hàng tỷ euro và hiện nay là Intel. Tôi biết các dự án chip khác của các công ty Đức và nhiều công ty khác. Khi các kế hoạch được triển khai, chúng ta sẽ trở nên ít phụ thuộc vào việc cung cấp chất bán dẫn từ các khu vực khác”, ông Scholz nói.
Hiện có những lo ngại rằng những hạn chế hiện nay chỉ là khởi đầu của một cuộc chiến thương mại leo thang lớn hơn. Chỉ trong vòng hơn 1 năm qua, Mỹ và Liên minh châu Âu đã triển khai các chương trình trợ cấp trị giá hàng tỷ đôla để thu hút đầu tư tư nhân, trong đó phải kể đến Đạo luật Chíp của EU (43 tỷ USD) và Đạo luật Khoa học và Chíp của Mỹ (52 tỷ USD).
Nếu như điều này được ví như “củ cà rốt” thì một số chuyên gia chỉ ra rằng các chính phủ cũng đang ngày càng sử dụng “cây gậy” trong việc kiểm soát xuất khẩu, với tốc độ không thể tưởng tượng được so với cách đây vài năm.