Trung Quốc dốc sức nghiên cứu vaccine ngừa biến thể Covid-19
VOV.VN - Ông Chung Nam Sơn cho hay, hiện có gần 50 loại vaccine đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển ở Trung Quốc và con số này trên toàn thế giới là hơn 200 loại.
Trong một báo cáo trình bày hôm nay (24/4), ông Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu về các bệnh đường hô hấp của Trung Quốc cho biết, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa thể giải đáp về vaccine Covid-19 và nước này đang tập trung nghiên cứu các loại vaccine ngừa biến chủng của căn bệnh này.
Báo cáo của ông Chung Nam Sơn được trình bày trực tuyến tại một diễn đàn về y học của Viện Công trình Trung Quốc tổ chức tại Quảng Châu.
Ông Chung Nam Sơn cho rằng, vấn đề chính hiện nay là các biến chủng của SARS-CoV-2. Những biến chủng này đã xuất hiện tại Anh, Brazil, Nigeria, Nam Phi và nhiều nơi khác. Đối với biến chủng B1351 ở Nam Phi, các loại vaccine bất hoạt đang sử dụng đã giảm hiệu quả. Đây cũng là những loại vaccine đang được tiêm phổ biến nhất ở Trung Quốc hiện nay, tức vaccine của Sinovac và Sinopharm.
Theo tiết lộ của chuyên gia này, Trung Quốc đang dốc sức phát triển vaccine chống lại các biến chủng. Việc phát triển loại vaccine nào sẽ có lợi hơn cho công tác phòng dịch và làm sao để sử dụng nguồn lực đúng chỗ là những vấn đề quan trọng mà nước này đang phải đối mặt – ông Chung Nam Sơn cho biết.
Chuyên gia này nói thêm, hiện có gần 50 loại vaccine đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển ở Trung Quốc và con số này trên toàn thế giới là hơn 200 loại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa thể giải đáp liên quan đến vaccine, như thời gian bảo vệ của vaccine là bao lâu, tiêm 2 mũi thậm chí 3 mũi liệu có thể nâng cao hiệu quả bảo vệ của vaccine hay không? Vì sao hơn 30 người khỏe mạnh ở Đức, Áo, Anh xuất hiệu hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau khi tiêm vaccine công nghệ vector? Đây đều là những vấn đề cần sớm có câu trả lời.
Được biết, Trung Quốc hiện có 4 loại vaccine Covid-19 đã được phê chuẩn đưa vào sử dụng, trong đó có 3 loại là vaccine bất hoạt, loại còn lại là vaccine tái tổ hợp sử dụng công nghệ vector tương tự vaccine của AstraZeneca./.