Trung Quốc đưa “giáo dục gia đình” vào luật

VOV.VN - Với việc thông qua “Luật thúc đẩy giáo dục gia đình” ngày 23/10, Trung Quốc đã chính thức đưa vấn đề “giáo dục gia đình” từ “việc nhà” trở thành “việc nước” và luật hóa trách nhiệm của cha mẹ trong việc dạy dỗ con cái.

Bộ luật mới gồm 6 chương 55 điều, vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) khóa 13 của Trung Quốc và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Luật quy định rõ cha mẹ hoặc người giám hộ khác của trẻ vị thành niên có trách nhiệm thực hiện giáo dục gia đình. Trong khi chính quyền, nhà trường và xã hội hướng dẫn, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho giáo dục gia đình. Luật cũng đưa ra những hình thức nhắc nhở, khiển trách khi cha mẹ/người giám hộ hoặc các cơ quan công quyền có những hành vi sai trái trong nuôi dạy con hoặc trong quá trình hỗ trợ, giám sát hành vi giáo dục gia đình của cha mẹ trẻ.

Ông Quách Lâm Mậu (Guo Linmao), Chủ nhiệm Phòng Pháp luật Xã hội thuộc Ủy ban Công tác Pháp chế của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc cho rằng, luật đã thay đổi tình trạng “gia đình chỉ là sự kéo dài của lớp học”, cha mẹ chỉ là “trợ lý” của giáo viên ở nước này hiện nay, đồng thời làm nổi bật vị trí và vai trò quan trọng của giáo dục gia đình, giải phóng giáo dục gia đình khỏi vị thế “lệ thuộc” với giáo dục nhà trường, thực sự đạt tới sự phối hợp lẫn nhau giữa giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình, nhằm cung cấp sự bảo vệ pháp lý đầy đủ và mạnh mẽ hơn trong việc thúc đẩy sự trưởng thành lành mạnh và phát triển toàn diện của trẻ vị thành niên.

Giảm áp lực học hành

Một trong số các nội dung quan trọng được đưa vào “Luật thúc đẩy giáo dục gia đình” của Trung Quốc là việc yêu cầu cha mẹ và chính quyền địa phương phải có trách nhiệm đảm bảo “giảm áp lực kép” liên quan đến bài tập về nhà và học thêm ngoài giờ với học sinh. Nội dung này được các chuyên gia Trung Quốc đánh giá là “điểm sáng” của bộ luật.

Điều 26 chương 3 về sự hỗ trợ của nhà nước nêu rõ: “Chính quyền nhân dân địa phương cấp quận hoặc huyện trở lên cần tăng cường giám sát quản lý, giảm bớt gánh nặng bài tập về nhà và đào tạo ngoài trường học của học sinh trong giai đoạn giáo dục bắt buộc.”

Với phụ huynh, điều 22 chương 2 về trách nhiệm gia đình cũng chỉ ra rằng: “Cha mẹ hoặc người giám hộ khác của trẻ vị thành niên phải đảm bảo bố trí hợp lý thời gian cho trẻ học tập, nghỉ ngơi, giải trí và rèn luyện thể chất, tránh làm tăng gánh nặng học tập cho trẻ và ngăn trẻ vị thành niên nghiện Internet.”

Trung Quốc đang hạ quyết tâm trong việc giảm áp lực bài vở cho trẻ trong giai đoạn phổ cập giáo dục từ lớp 1 đến lớp 9. Với nước này, “giảm áp lực kép” là một “công trình mang tính hệ thống”, không chỉ đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở đào tạo ngoài nhà trường, mà còn phải phát huy vai trò “trận địa chính” của giáo dục trong nhà trường, hơn thế là sự thay đổi trong quan niệm nuôi dạy con cái của các bậc phụ huynh.

Cùng với các động thái mạnh tay dẹp bỏ các cơ sở đào tạo ngoài nhà trường của chính quyền, không ít các gia đình ở Trung Quốc đã thuê gia sư “chui” cho con. Sự ra đời của luật mới như một lời cảnh tỉnh đối với các hành vi này, nhắc nhở họ phải “nuôi dạy con cái theo pháp luật”, có những kỳ vọng hợp lý hơn đối với sự trưởng thành của con và hoạch định một con đường “thành tài” phù hợp hơn cho con cái mình.

Khiển trách bố mẹ để con hư hoặc phạm tội

Bên cạnh quy định trách nhiệm, cách thức, mục tiêu nuôi dạy con cái của các bậc phụ huynh, trong luật mới về giáo dục gia đình của Trung Quốc còn có một chương về trách nhiệm pháp luật của các tổ chức, cơ quan trong việc thực hiện chức trách của mình liên quan đến giáo dục gia đình, cũng như trách nhiệm của cha mẹ khi để con hư hoặc phạm tội.

Theo đó, các khu dân cư, hội phụ nữ nơi cư trú của trẻ vị thành niên, đơn vị nơi cha mẹ hoặc người giám hộ khác của trẻ vị thành niên làm việc, các đơn vị khác có liên hệ chặt chẽ với trẻ, như trường học (gồm cả mẫu giáo, tiểu học, trung học), khi phát hiện thấy cha mẹ hoặc người giám hộ khác của trẻ từ chối, biếng nhác trong việc thực hiện trách nhiệm giáo dục gia đình hoặc cản trở một cách bất hợp pháp người giám hộ khác thực hiện giáo dục gia đình, phải có hình thức phê bình, giáo dục, răn đe, ngăn chặn, khi cần còn phải đốc thúc cha mẹ hoặc người giám hộ chịu sự hướng dẫn về giáo dục gia đình.

Trong khi đó, về phía phụ huynh, nếu trong quá trình xử lý các vụ án, cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án phát hiện người chưa thành niên “có hành vi xấu nghiêm trọng hoặc phạm tội”, hay cha mẹ hoặc người giám hộ khác của người chưa thành niên thực hiện giáo dục gia đình không đúng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, cha mẹ hoặc người giám hộ khác sẽ bị “khiển trách” và bị buộc phải chịu sự hướng dẫn về giáo dục gia đình.

“Hướng dẫn về giáo dục gia đình” là khái niệm được đề cập đến nhiều lần trong luật mới. Chương 3 về hỗ trợ của nhà nước quy định: “Chính quyền nhân dân cấp tỉnh trở lên phải tổ chức các ban ngành liên quan phối hợp xây dựng nền tảng dịch vụ chia sẻ về thông tin giáo dục gia đình, mở trường học trực tuyến và các khóa học trực tuyến phi lợi nhuận cho phụ huynh, mở đường dây nóng và cung cấp dịch vụ hướng dẫn giáo dục gia đình trực tuyến.”  

Trong khi đó, chính quyền cấp huyện trở lên và các ban ngành liên quan tổ chức thành lập các nhóm chuyên môn về dịch vụ hướng dẫn giáo dục gia đình, tăng cường đào tạo những người chuyên làm công tác này, khuyến khích nhân viên xã hội và tình nguyện viên tham gia vào các dịch vụ hướng dẫn giáo dục gia đình, xác định các cơ sở hướng dẫn về giáo dục gia đình, nhằm phục vụ cho các gia đình có nhu cầu.

Có thể nói, thời gian gần đây, trước khi nâng vấn đề giáo dục gia đình lên thành luật, Trung Quốc đã thực thi hàng loạt biện pháp và chính sách mạnh tay liên quan đến chăm sóc trẻ em, bao gồm hạn chế thời gian trẻ vị thành niên chơi game trực tuyến, kiềm chế nạn hâm mộ người nổi tiếng độc hại hay cấm các hoạt động dạy thêm quá đà.  

Cùng với “giảm áp lực kép” cho trẻ, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã yêu cầu các trường học thúc đẩy những môn thể thao có thể thực hiện trong khuôn viên nhà trường, như bóng đá, chạy, nhảy dây... hay các bài tập và động tác đơn giản có thể tự tập ở nhà sau giờ học.

Hiện vẫn chưa thể biết những quy định này sẽ hiệu quả đến đâu và được thực thi ra sao trên thực tế, song theo ông Quách Lâm Mậu, Chủ nhiệm Phòng Pháp luật Xã hội thuộc Ủy ban Công tác Pháp chế của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc, giờ đây giáo dục gia đình đã từ “việc nhà” theo quan niệm truyền thống nâng tầm lên thành “việc nước” trong thời đại mới ở nước này.

Còn với ông Trữ Triêu Huy (Chu Zhaohui), nghiên cứu viên Viện Khoa học Giáo dục Trung Quốc, có một thực tế là những năm gần đây đã tồn tại một số vấn đề trong giáo dục gia đình ở Trung Quốc, gây sự quan tâm lớn của các tầng lớp xã hội. Ông “tin rằng luật này sẽ thúc đẩy sự phát triển của giáo dục gia đình và điều chỉnh hành vi của giáo dục gia đình” ở Trung Quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tàu chiến của Nga và Trung Quốc lần đầu tiên tuần tra chung ở Thái Bình Dương
Tàu chiến của Nga và Trung Quốc lần đầu tiên tuần tra chung ở Thái Bình Dương

VOV.VN - Lần đầu tiên các tàu chiến của Nga và Trung Quốc tổ chức đợt tuần tra chung ở Thái Bình Dương.

Tàu chiến của Nga và Trung Quốc lần đầu tiên tuần tra chung ở Thái Bình Dương

Tàu chiến của Nga và Trung Quốc lần đầu tiên tuần tra chung ở Thái Bình Dương

VOV.VN - Lần đầu tiên các tàu chiến của Nga và Trung Quốc tổ chức đợt tuần tra chung ở Thái Bình Dương.

Vì sao Liên Xô chọn AK-47 và bán công nghệ súng trường SKS cho Trung Quốc?
Vì sao Liên Xô chọn AK-47 và bán công nghệ súng trường SKS cho Trung Quốc?

VOV.VN - Các chuyên gia quân sự lưu ý rằng, Trung Quốc đã tạo ra hàng triệu bản sao của súng trường SKS và đặt tên cho chúng là “Type 56”.

Vì sao Liên Xô chọn AK-47 và bán công nghệ súng trường SKS cho Trung Quốc?

Vì sao Liên Xô chọn AK-47 và bán công nghệ súng trường SKS cho Trung Quốc?

VOV.VN - Các chuyên gia quân sự lưu ý rằng, Trung Quốc đã tạo ra hàng triệu bản sao của súng trường SKS và đặt tên cho chúng là “Type 56”.

Vụ phóng thử tên lửa của Trung Quốc có thể làm “phá sản” chính sách hạt nhân của Biden
Vụ phóng thử tên lửa của Trung Quốc có thể làm “phá sản” chính sách hạt nhân của Biden

VOV.VN - Tổng thống Biden đang cân nhắc chính sách “không sử dụng trước” vũ khí hạt nhân nhưng vụ phóng thử mới đây của Trung Quốc có thể khiến chính quyền của ông phải suy nghĩ lại về kế hoạch này trước sức ép từ chính trị trong nước cũng như đồng minh.

Vụ phóng thử tên lửa của Trung Quốc có thể làm “phá sản” chính sách hạt nhân của Biden

Vụ phóng thử tên lửa của Trung Quốc có thể làm “phá sản” chính sách hạt nhân của Biden

VOV.VN - Tổng thống Biden đang cân nhắc chính sách “không sử dụng trước” vũ khí hạt nhân nhưng vụ phóng thử mới đây của Trung Quốc có thể khiến chính quyền của ông phải suy nghĩ lại về kế hoạch này trước sức ép từ chính trị trong nước cũng như đồng minh.