Trung Quốc hoài nghi thỏa thuận quân sự Mỹ-Philippines ở Biển Đông
VOV.VN - Trung Quốc ngày 21/3 tuyên bố, thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ hiện diện tại 5 căn cứ ở Philippines gây hoài nghi về việc quân sự hóa ở Biển Đông.
Theo Reuters, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cảnh báo, thỏa thuận hợp tác Mỹ-Philippines không nên nhằm vào bất kỳ bên thứ 3 nào cũng như gây tổn hại đến chủ quyền và lợi ích quốc gia của những nước khác.
“Tôi muốn chỉ ra rằng, quân đội Mỹ gần đây rất muốn đề cập đến cái gọi là “quân sự hóa ở Biển Đông”, bà Hoa Xuân Doanh tuyên bố tại cuộc họp báo thường kỳ.
“Vậy liệu họ có thể giải thích được nổi việc liên tục tăng cường điều quân đến Biển Đông và các khu vực gần đó có được coi là quân sự hóa hay không?”, bà Hoa Xuân Doanh nói.
Tàu USS Lassen của Mỹ tuần tra ở Biển Đông. Ảnh Hải quân Mỹ |
Trong khi đó, Mỹ nhiều lần tuyên bố, dù không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông nhưng Mỹ muốn đảm bảo tự do đi lại trong khu vực. Mỹ cũng tuyên bố sẽ tăng cường điều tàu chiến đến tuần tra vì mục đích nói trên.
Các đồng minh của Mỹ như Malaysia và Australia cũng lên tiếng kêu gọi đảm bảo quyền tự do đi lại ở Biển Đông.
“Chúng tôi rất nhất quán khi tuyên bố rằng, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục hoạt động của mình. Chúng tôi sẽ điều tàu và máy bay đến khu vực nếu thấy cần thiết bởi điều này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế”, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne tuyên bố ngày 21/3 sau cuộc gặp với người đồng cấp Malaysia.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cũng cho rằng, quyền tự do đi lại trên không và trên biển cần phải được duy trì.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang có những động thái hiếu chiến ở Biển Đông, Mỹ rất muốn thúc đẩy hợp tác quân sự với các quốc gia Đông Nam Á và tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông.
Cả Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực bày tỏ quan ngại rằng, Trung Quốc đang tìm cách quân sự hóa ở Biển Đông bằng cách xây dựng các sân bay và nhiều cơ sở quân sự trên các đảo và các bãi đá mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn khăng khăng cho rằng, nước này không hề cản trở quyền tự do đi lại ở Biển Đông và cho rằng, các trang thiết bị mà Trung Quốc đưa ra các đảo và các bãi đá nói trên chỉ nhằm hỗ trợ việc đi lại tại đây./.