Trung Quốc kêu gọi Israel dừng ngay tấn công quân sự vào Rafah
VOV.VN - Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Phó Thông ngày 20/5 đã yêu cầu Israel dừng ngay lập tức tấn công quân sự vào Rafah và hy vọng Mỹ đóng vai trò trong việc thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Gaza.
Tuyên bố của ông Phó Thông được đưa ra tại một cuộc họp công khai về vấn đề Palestine-Hamas của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Thông cáo báo chí đăng trên trang web chính thức của Phái đoàn Thường trực Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc cho biết, phát biểu tại cuộc họp, ông Phó Thông cho rằng, hơn 220 ngày đã trôi qua kể từ khi nổ ra xung đột ở Gaza với thương vong dân sự, cơ sở hạ tầng bị phá hủy và thảm họa nhân đạo chưa từng có.
Ông tuyên bố, Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc và phản đối mạnh mẽ việc Israel bất chấp lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế về việc ngừng bắn ngay lập tức và Nghị quyết của Hội đồng Bảo an, vẫn đang đẩy mạnh các cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào Rafah.
Đại diện của Trung Quốc cho rằng, không có lý do gì để biện minh cho việc tiếp tục xung đột và trừng phạt tập thể dân thường không tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải cứu con tin. Do vậy, Bắc Kinh yêu cầu Israel ngừng tấn công quân sự vào Rafah ngay lập tức và tuyên bố ủng hộ các hành động tiếp theo của Hội đồng Bảo an. Ông cũng hy vọng Mỹ, với tư cách là quốc gia có ảnh hưởng quan trọng đối với Israel, phát huy vai trò thiết thực trong việc thúc đẩy lệnh ngừng bắn và chấm dứt chiến tranh ở Gaza.
Ông kêu gọi Israel nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế và luật nhân đạo quốc tế, đồng thời yêu cầu lực lượng chiếm đóng điều tra triệt để và truy cứu trách nhiệm vụ tấn công vào các cơ sở của Cơ quan Cứu trợ và Việc làm cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông của Liên Hợp Quốc (UNRWA) tại Bờ Tây mà nước này gọi là hành vi “gây sốc”.
Đại diện Trung Quốc cho rằng, bất kỳ kế hoạch quản lý Gaza thời hậu chiến nào cũng phải tôn trọng mong muốn của người dân Palestine và mối quan tâm hợp lý của các nước trong khu vực, đồng thời không đi chệch khỏi định hướng cơ bản của “giải pháp hai nhà nước”.