Trung Quốc không muốn Nga can dự vào Biển Đông
Sự quan ngại về việc các nước lớn như Nga, Mỹ can dự vào Biển Đông đang gây ảnh hưởng đến mối quan hệ của Trung Quốc với các nước này.
-
Ấn Độ lên tiếng về đụng độ Trung Quốc-Philippines ở Biển Đông
-
Tranh chấp tại Scarborough và quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines
Cũng giống như với Mỹ, Trung Quốc đang gây áp lực để buộc Nga phải tránh xa khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên mà nước này đang muốn gần như độc chiếm.
Moscow được cho là đang tăng cường thắt chặt quan hệ thương mại và quân sự với các đối tác chiến lược trong khu vực Đông Nam Á với mục tiêu là nhằm duy trì sự hiện diện của nước này ở Biển Đông – khu vực mà Trung Quốc tự nhận là thuộc ảnh hưởng của họ.
Tuy nhiên, Trung Quốc muốn tất cả các nước bên ngoài tránh xa Biển Đông, trong đó có cả Mỹ và Nga. Đối với Moscow, việc rút ra khỏi Biển Đông không chỉ khiến nước này đánh mất lợi ích chiến lược mà còn mất luôn cả thể diện và uy tín.
Binh lính Mỹ và Philippines tập trận ở Biển Đông (Ảnh: Tân Hoa xã) |
Sự quan ngại về việc các nước lớn như Nga, Mỹ can dự vào tình hình Biển Đông đang gây ảnh hưởng đến mối quan hệ của Trung Quốc với các nước này trong những lĩnh vực khác. Tuy nhiên, Bắc Kinh không đủ thế và lực để có thể gây sức ép buộc các cường quốc lớn như Mỹ, Nga từ bỏ lợi ích chiến lược của họ ở khu vực Biển Đông.
Trong thời gian qua, người ta đã chứng kiến Mỹ ngày một can thiệp sâu hơn và trực tiếp hơn vào vấn đề Biển Đông. Đây là một trong những động thái nằm trong chính sách quay trở lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
Kể từ sau khi tuyên bố Mỹ là cường quốc châu Á - Thái Bình Dương hồi năm 2011, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã liên tục đẩy mạnh các bước đi nhằm khẳng định điều này. Đáng chú ý là Mỹ đã không ngừng tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực. Mới đây nhất, Mỹ đã tiến hành tập trận hải quân chung với Philippine ở Biển Đông.
Về phần mình, Nga cũng đang tích cực tăng cường thắt chặt mối quan hệ kinh tế cũng như quân sự với đối tác chiến lược trong khu vực.
Trung Quốc được tin là có nhiều lý do để không dám “làm căng” với Mỹ và Nga trong vấn đề Biển Đông. Ngoài mối quan hệ thương mại phức tạp và những lợi ích tài chính với Mỹ, Trung Quốc còn dựa rất nhiều vào Nga trong lĩnh vực công nghệ và máy bay chiến đấu thế hệ mới.
Cả ba nước Mỹ, Trung Quốc và Nga đều có các lợi ích chiến lược ở Biển Đông. Trong lúc không thể gây áp lực gì được với hai nước lớn như Nga, Mỹ, Trung Quốc chỉ có thể tập trung vào việc “dọa dẫm”, “răn đe” các nước yếu hơn như Philippines. Điều này đã được thể hiện rõ trong cuộc đối đầu gay gắt giữa Manila và Bắc Kinh kéo dài suốt hơn một tháng qua. Tuy nhiên, giờ đây, các nước nhỏ hơn có tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc cũng ngày càng tỏ ra rắn rỏi hơn, quyết liệt hơn.
Với sự cứng rắn của các nước nhỏ hơn, các cuộc tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Một số nhà phân tích tin rằng, Biển Đông giờ đây đã trở thành một trong những điểm nóng hàng đầu của thế giới.
Trận sóng to gió lớn mới nhất nổi lên ở Biển Đông bắt nguồn từ một vụ va chạm hôm 8/4. Khi đó, tàu chiến lớn nhất của Philippines thuộc lớp Hamilton đã có một cuộc đụng độ căng thẳng với hai tàu hải giám của Trung Quốc ở khu vực tranh chấp bãi cạn Scarborough.
Hơn một tháng nay, sóng gió Biển Đông chưa có dấu hiệu dịu đi mà đang có nguy cơ biến thành một cơn bão lớn. Sau những cuộc khẩu chiến dữ dội, Trung Quốc và Philippines đã làm leo thang tình hình bằng một loạt động thái quân sự gây “giật mình” ở Biển Đông.
Hồi cuối tuần qua, trên các trang blog của cư dân mạng Trung Quốc còn rộ lên tin đồn, các đơn vị quân đội của nước này đang chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh ở Biển Đông. Mặc dù Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ những tin đồn đáng sợ trên nhưng người ta vẫn không khỏi lo ngại trước những diễn biến bất thường hiện nay ở Biển Đông./.