Trung Quốc lần đầu tiên áp dụng công nghệ “lái thông minh” cho tên lửa đẩy
VOV.VN - Tên lửa đẩy Trường Chinh 6C của Trung Quốc đã thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm đầu tiên tại Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên vào ngày 7/5. Tên lửa này lần đầu tiên sử dụng công nghệ điều khiển tăng cường tự thích ứng (ACC) trong lĩnh vực tên lửa đẩy của Trung Quốc.
Đây là chuyến bay đầu tiên ứng dụng công nghệ điều khiển tăng cường tự thích ứng trên tên lửa đẩy của Trung Quốc. Trường Chinh 6C cũng đã trở thành tên lửa thứ 2 trên thế giới áp dụng công nghệ này sau hệ thống phóng vào không gian của Mỹ.
Trưởng nhóm thiết kế hệ thống điều khiển của Trường Chinh 6C Hồ Tồn Minh cho biết, công nghệ điều khiển tăng cường tự thích ứng (ACC) của tên lửa có thể hiểu đơn giản là giống như công nghệ lái thông minh của xe ô tô. Nó tự động điều chỉnh vô lăng và ga bằng cách phán đoán trạng thái của đường đi và trải nghiệm của hành khách, tự động kiểm soát tốc độ và hướng của xe nhằm đảm bảo lái xe an toàn và ổn định.
Theo Tân Hoa xã, Trường Chinh 6C được nghiên cứu và chế tạo bởi Viện 8 Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc và là loại tên lửa đẩy bằng chất lỏng thế hệ mới nhắm đến thị trường phóng thương mại trong tương lai. Tên lửa sử dụng cấu hình hai tầng lõi đơn, tầng thứ nhất có đường kính 3,35 mét và sử dụng hai động cơ dầu và khí hóa lỏng với lực đẩy 120 tấn. Tầng thứ hai có đường kính 2,9 mét, sử dụng 1 động cơ dầu và khí hóa lỏng với lực đẩy 18 tấn.
Tổng chiều dài của tên lửa khoảng 43 mét, trọng lượng cất cánh khoảng 215 tấn và có khả năng vận chuyển trên quỹ đạo đồng bộ mặt trời 500km khoảng 2,4 tấn.
Sự thành công của chuyến bay đầu tiên của Trường Chinh 6C, đánh dấu việc tên lửa này gia nhập vào gia đình tên lửa Trường Chinh và hoàn thiện hơn nữa hình mẫu của loại tên lửa đẩy Trường Chinh thế hệ mới của Trung Quốc.