Trung Quốc lên án các thành viên Nội các Nhật viếng đền Yasukuni
VOV.VN - Trung Quốc cho rằng, việc các thành viên Nội các Nhật viếng đền Yasukuni cho thấy quan điểm sai trái của Nhật Bản với các vấn đề lịch sử.
Trung Quốc ngày 15/8 lên tiếng phản đối “mạnh mẽ” việc hai thành viên Nội các Nhật Bản là Bộ trưởng Nội vụ Sanae Takaichi và Quốc vụ khanh phụ trách Olympic và Paralympic 2020 Tamayo Marukawa viếng đền Yasukuni nhân dịp 71 năm ngày Nhật Bản đầu hàng Đồng minh trong Thế chiến II.
Trung Quốc và Hàn Quốc coi Đền Yasukuki là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. (Ảnh: Getty)
Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng: “Việc một số thành viên Nội các Nhật Bản đến viếng đền Yasukuni – ngôi đền thờ một số tội phạm chiến tranh hạng A một lần nữa chứng tỏ quan điểm sai trái của Chính phủ Nhật Bản đối với các vấn đề liên quan đến lịch sử”.
Ông Lục Khảng cũng hối thúc phía Nhật Bản “thẳng thắn nhìn nhận và suy ngẫm sâu sắc về lịch sử xâm lược trong quá khứ, giải quyết các vấn đề liên quan theo cách thức phù hợp và có trách nhiệm thông qua các hành động cụ thể để giành được lòng tin từ các nước láng giềng châu Á và cộng đồng quốc tế”.
Đền Yasukuni thờ hơn 2,5 triệu người Nhật Bản thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, trong đó có 14 tội phạm chiến tranh hạng A. Ngôi đền này bị Trung Quốc và Hàn Quốc coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trước đây.
Tranh cãi ngoại giao thường xảy ra khi các nhà lãnh đạo Nhật Bản đến viếng đền, do các nước láng giềng như Hàn Quốc và Trung Quốc coi động thái này là tưởng nhớ các tội phạm chiến tranh.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng đã ra tuyên bố nêu rõ, Hàn Quốc lấy làm tiếc và bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc các thành viên trong Chính phủ và Quốc hội Nhật Bản nhiều lần thực hiện nghi thức cúng tế cũng như bày tỏ lòng tôn kính tới ngôi đền Yasukuni.
Tuyên bố hối thúc các nhà chính trị Nhật Bản can đảm đối mặt với lịch sử, thể hiện sự ăn năn, hối lỗi về những hành động quân phiệt trong quá khứ, cũng như thực hiện các hành động để giành được sự tin cậy của các nước láng giềng./.