Trung Quốc ngày càng “mất cân bằng giới tính” nghiêm trọng
VOV.VN - Nhiều học giả cho rằng, đất nước này đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về nhân khẩu học.
Ngày 22/1, cơ quan y tế Trung Quốc cho biết, sự mất cân bằng giới tính ở trẻ sơ sinh nước này là “nghiêm trọng và kéo dài nhất” trên thế giới. Sự mất cân bằng giới tính này do ảnh hưởng từ chính sách “một con” của chính quyền Trung Quốc.
Lời nhận định trên đã rung hồi chuông cảnh báo đối với chính quyền ở đất nước đông dân nhất trên thế giới. Nhiều học giả cho rằng, đất nước này đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về nhân khẩu học.
Mất cân bằng giới tính dẫn đến mất ổn định xã hội
Giống như hầu hết các quốc gia châu Á khác, Trung Quốc có truyền thống “trọng nam” từ lâu đời. Nhiều gia đình đã phá thai khi biết giới tính của đứa trẻ trong bụng mẹ là con gái và cố gắng đảm bảo rằng đứa con của họ phải là con trai.
Bởi thế, ở Trung Quốc cứ 100 bé gái sinh ra thì có 118 bé trai, trong khi tỷ lệ trung bình giữa bé gái- bé trai trên toàn cầu là 107- 103.
Trong một tuyên bố trên webside chính thức, Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc cho biết sẽ đẩy mạnh giám sát việc xác định giới tính thai nhi trong thời gian tới.
Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình thừa nhận, nhiều người phụ nữ đã chuyển mẫu máu của mình ra nước ngoài để xác định giới tính của em bé vì ở Trung Quốc, việc làm này bị cấm.
"Điều này đã làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng giới tính trong cơ cấu sinh sản của đất nước ", cơ quan Y tế này cho hay.
Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo, sự mất cân bằng giới tính lớn có thể dẫn đến sự mất ổn định trong xã hội như việc nhiều người chưa lập được gia đình có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các hành vi bạo lực và chống lại xã hội.
Nới lỏng chính sách “một con” khi đã quá muộn
Nhiều nhà phân tích nói, chính sách một con đã làm giảm lực lượng lao động của Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế. Chính quyền Trung Quốc ngày 22/1 nhấn mạnh, người dân trong độ tuổi lao động ở nước này đang giảm dần từ năm 2013.
Từ cuối năm 2013, Trung Quốc đã nới lỏng quy định chính sách “một con”, theo đó, hàng triệu gia đình có thể có 2 con.
Tuy nhiên, chính sách này vẫn vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của nhiều người. Họ cho rằng chính sách “2 con” vẫn còn là quá ít và đã quá muộn để khắc phục những tác động tiêu cực đáng kể lên kinh tế và xã hội Trung Quốc.
Các nhà phân tích nhận định, Trung Quốc đang phải đối mặt với viễn cảnh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đang “bị già” đi trước khi giới tính được cân bằng.
Đầu tháng 1/2015, truyền thông Trung Quốc đưa tin, sau một năm nới lỏng chính sách “một con” thành “2 con”, có ít người hơn so với dự kiến áp dụng chính sách nới lỏng này./.