Trung Quốc nới visa cho người tiêm vaccine nước này sản xuất, EU bị chỉ trích về vaccine
VOV.VN - Đại sứ quán Trung Quốc ở nhiều nước nới lỏng việc cấp visa cho người tiêm vaccine của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung-Đông Âu chỉ trích EU về vấn đề phân phối vaccine.
Từ ngày 15/3, hàng loạt đại sứ quán của Trung Quốc tại các nước đã công bố chính sách mới, nhằm nới lỏng việc cấp thị thực (tức visa) cho những người đã tiêm vaccine do nước này sản xuất được nhập cảnh vào Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại nhiều quốc gia, như Nhật Bản, Israel, Thái Lan… đã ra thông báo về việc tạo thuận lợi trong cấp thị thực cho người nước ngoài tiêm vaccine do nước này sản xuất, trong nỗ lực nối lại việc đi lại bình thường hậu đại dịch.
Thông báo này được công bố sau khi Trung Quốc đưa ra ý tưởng cấp giấy chứng nhận sức khỏe du lịch quốc tế – một hình thức “hộ chiếu vaccine” phiên bản Trung Quốc hôm 8/3 vừa qua, để nối lại hoạt động đi lại quốc tế trước thềm Thế vận hội Olympic mùa đông mà nước này đăng cai vào tháng 2/2022 sau hơn một năm đóng cửa biên giới với đa số khách nước ngoài do dịch Covid-19.
Theo đó, bắt đầu từ ngày 15/3, những người đến Trung Quốc với mục đích làm việc và người nhà sau khi đã tiêm vaccine Covid-19 của Trung Quốc có thể xin cấp thị thực theo các yêu cầu như trước khi có dịch.
Thành viên trong gia đình của các công dân Trung Quốc hoặc thường trú nhân ở nước này là người nước ngoài, bao gồm vợ/chồng, cha mẹ, con cái và những người ruột thịt khác, xuất phát từ “nhu cầu nhân đạo khẩn cấp”, có thể nộp đơn xin thị thực vào Trung Quốc với các lý do đoàn tụ, thăm thân, dự tang lễ hoặc chăm sóc người bệnh nặng…, sau khi có giấy chứng nhận tiêm chủng.
Công dân nước ngoài có Thẻ đi lại của doanh nhân APEC cũng có thể nộp đơn xin thị thực kèm theo thư mời của các đơn vị trong nước Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại các quốc gia cũng lưu ý trong thông báo rằng, khi vào nước này hành khách vẫn được yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm axit nucleic và kháng thể huyết thanh âm tính thực hiện trong vòng 48 giờ. Du khách cũng phải tuân thủ các quy định phòng dịch của địa phương nơi đến ở Trung Quốc, như cách ly, theo dõi sức khỏe...
Thông báo vẫn đưa ra khuyến cáo về việc "không đi du lịch vì các mục đích không thiết yếu" để tránh lây nhiễm chéo trong quá trình di chuyển giữa các quốc gia.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, đây có thể là bước thử nghiệm để nước này thực hiện “thị thực vaccine” với mong muốn có thể áp dụng và nhân rộng ra nhiều nơi trên thế giới. Tuy vậy, Trung Quốc sẽ phải đàm phán với các nước về việc công nhận vaccine lẫn nhau.
Trong khi đó, lãnh đạo các quốc gia Trung-Đông Âu lên tiếng chỉ trích Liên minh châu Âu về việc phân bổ vaccine Covid-19 không đúng với quy mô dân số đồng thời kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đề thảo luận về việc phân bổ vaccine hiện nay của khối.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz và những người đồng cấp ở Latvia, Bulgaria, Slovenia và Cộng hòa Séc đã cáo buộc Ủy ban châu Âu không phân bổ đồng đều vaccine Covid-19. Trước đó, vào thứ 7 tuần trước, Thủ tướng Áo đã gửi một lá thư cho Ủy ban châu Âu kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về việc phân bổ vaccine Covid-19, sau khi phát hiện số lượng vaccine không được phân bổ đồng đều tương ứng với quy mô dân số của từng quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu cho rằng cáo buộc này là không phù hợp. Lý giải về việc này, Ủy ban châu Âu cho biết chương trình phân bổ vaccine đã được thực hiện với quy trình minh bạch và các quốc gia đã đồng ý cho phép phân phối các liều lượng khác nhau và có tính đến tình hình dịch tễ và nhu cầu tiêm chủng của mỗi quốc gia. Mặt khác, một số quốc gia không đăng ký tất cả các loại vaccine, trong khi các nước thành viên khác lại có kế hoạch mua bổ sung vaccine. Theo truyền thông, một số quốc gia như Pháp và Đức đã có thể đẩy nhanh các chương trình tiêm chủng của họ sau khi mua thêm vaccine Pfizer và Moderna với mức giá cao hơn so với mặt bằng hiện nay.
Tới nay, khoảng 10 quốc gia đã quyết định ngừng tiêm chủng vaccine AstraZeneca do những nghi ngờ về tác dụng phụ đối với người được tiêm chủng. Trong khi đó, đại diện hãng dược phẩm này cho biết đã có một cuộc đánh giá toàn bộ các dữ liệu an toàn của hơn 17 triệu người đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca tại Liên minh châu Âu (EU) và không có bằng chứng về việc vaccine này làm tăng nguy cơ tắc mạch phổi, chứng huyết khối tĩnh mạch hoặc giảm tiểu cầu ở bất kỳ nhóm tuổi, giới tính nào. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu cũng đều khẳng định không có lý do để ngừng sử dụng vaccine này./.