Trung Quốc phản đối Mỹ đứng sau Nhật trong vụ Senkaku
Nếu kế hoạch quốc hữu hóa quần đảo Senkaku được Nhật Bản xúc tiến, Trung Quốc có thể sẽ điều thêm nhiều tàu đến quần đảo tranh chấp.
Vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc có thêm diễn biến mới khi Trung Quốc lên tiếng phản đối Mỹ về việc coi quần đảo này thuộc đối tượng áp dụng của Hiếp ước An ninh Mỹ -Nhật.
Ngày 10/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Victoria Nuland trong một văn bản trả lời báo chí đã khẳng định, do quần đảo Senkaku hiện nằm dưới quyền kiểm soát quản lý của Chính phủ Nhật Bản nên quần đảo nằm trong phạm vi áp dụng Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ- Nhật. Điều 5 Hiệp ước này quy định nghĩa vụ phòng thủ Nhật Bản của Mỹ.
Người phát ngôn của Trung Quốc Lưu Vi Dân chỉ trích hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật |
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã bị phía Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân khẳng định, Hiệp ước An ninh Mỹ- Nhật là sản phẩm của thời Chiến tranh lạnh. Hiệp ước này không được làm tổn hại đến lợi ích của bên thứ 3, trong đó có Trung Quốc.
Cũng liên quan đến vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu ngư, sáng 11/7, 3 tàu Ngư chính của Trung Quốc đã xâm nhập vào lãnh hải của quần đảo này. Theo lực lượng tuần duyên Nhật Bản, các tàu Ngư chính của Trung Quốc đã ở trong lãnh hải của quần đảo Senkaku khoảng 4 tiếng đồng hồ.
Lực lượng tuần duyên Nhật Bản đã cử tàu và máy bay đến cảnh báo tàu Ngư chính Trung Quốc về việc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản. Các tàu của Trung Quốc đáp lại đây là hoạt động bình thường trong lãnh hải của Trung Quốc.
Đây là lần thứ 2 trong năm nay, tàu của Trung Quốc xâm nhập lãnh hải quần đảo Senkaku/Điếu ngư. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là lần xâm nhập này diễn ra chỉ ít ngày sau khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihico Noda chính thức tuyên bố, Chính phủ nước này đang xem xét kế hoạch quốc hữu hóa quần đảo Senkaku.
Theo giới phân tích, nếu kế hoạch quốc hữu hóa được xúc tiến, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ điều thêm nhiều tàu hải giám, tàu ngư chính đến tuần tra vùng biển quanh quần đảo nhằm tăng cường sự kiểm soát thực tế của mình đối với quần đảo. Khi đó, căng thẳng gia tăng giữa Nhật Bản và Trung Quốc là khó tránh khỏi./.