Trung Quốc sẽ 'bơm' 110 tỷ USD để đối phó tình hình kinh tế trong nước
VOV.VN - Theo SCMP, Ngân hàng trung ương Trung Quốc sẵn sàng bơm 110 tỷ USD nhằm tạo động lực cho nền kinh tế đang chững lại vì căng thẳng thương mại với Mỹ.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc thông báo sẽ tiếp tục giảm yêu cầu tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống 1% từ ngày 15/10 như một cách để đảm bảo tăng trưởng tín dụng hợp lý và ủng hộ phát triển kinh tế. Kết quả, các ngân hàng thương mại sẽ có 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ để trả các khoản vay mượn của họ từ ngân hàng trung ương và phần còn lại dùng để đầu tư.
Theo SCMP, dù Ngân hàng trung ương Trung Quốc nói thông báo này không đại diện cho một sự thay đổi nào đối với chủ trương chính sách tiền tệ thận trọng của họ, nhưng động thái này cho thấy khoảng 110 tỷ USD sẵn sàng được bơm vào nền kinh tế Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng đây là dấu hiệu Bắc Kinh ngày càng lo lắng về tình hình kinh tế trong nước giữa lúc chiến tranh thương mại với Mỹ bước vào giai đoạn căng thẳng đỉnh điểm.
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là một quy định của ngân hàng trung ương về tỷ lệ giữa tiền mặt và tiền gửi mà các ngân hàng thương mại bắt buộc phải tuân thủ để đảm bảo tính thanh khoản. Các ngân hàng có thể giữ tiền mặt cao hơn hoặc bằng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc nhưng không được phép giữ tiền mặt ít hơn tỷ lệ này. Nếu thiếu hụt tiền mặt các ngân hàng thương mại phải vay thêm tiền mặt, thường là từ ngân hàng trung ương để đảm bảo tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
“Đây là dấu hiệu cho thấy một chính sách giảm nhẹ tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, và cho thấy quyết tâm duy trì sự tăng trưởng của Bắc Kinh” – Liao Qun, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng quốc tế Trung Quốc Citic cho biết.
Zhang Ming, một nhà nghiên cứu từ Học viện khoa học xã hội Trung Quốc CASS nói động thái là cách Trung Quốc phản ứng lại với tỷ lệ tăng trưởng đang giảm đi do những tác động của căng thẳng thương mại. “Thương mại tụt ngày càng sâu so với Mỹ sẽ làm suy yếu vai trò của thương mại trong phát triển chung. Nếu xuất khẩu chậm lại do tranh chấp thương mại, tác động sẽ lan sang đầu tư sản xuất” – ông nói.
Chuyên gia dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ chậm còn 6,6% trong quý 3, so với 6,7% ở quý hai và còn 6,4% ở quý cuối cùng của năm.
Theo SCMP, nhiều chỉ số kinh tế cũng cho thấy dấu hiệu yếu đi ở nền kinh tế trị giá 12 nghìn tỷ USD của Trung Quốc. 4 vũ khí cực mạnh giúp Trung Quốc thắng Mỹ trong cuộc chiến thương mại
Tháng 9/2018, chỉ số quản lý thu mua (PMI) cả chính thức và không chính thức trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp của Trung Quốc đều chạm mức thấp nhất kể từ tháng 2/2018 với sự sụt giảm các đơn đặt hàng xuất khẩu, sản xuất và dự trữ. Trong lĩnh vực du lịch, mức chi của du khách trong nước trong 4 ngày của kỳ nghỉ quốc gia (kết thúc ngày 7/10), chỉ tăng 8,1% so với năm 2017, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 21%.
Được thông báo trong ngày cuối cùng của kỳ nghỉ, động thái của ngân hàng Trung Quốc có thể ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán khi giao dịch mở cửa ngày 8/10. Trước đó, các thị trường cổ phiếu lớn từ New York đến Tokyo đều trải qua những phiên giảm đáng kể. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng giảm 4,4% trong tuần trước, con số tồi tệ nhất trong kỳ nghỉ quốc gia kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008.
Thị trường chứng khoán trong nước của Trung Quốc năm 2018 trở nên đặc biệt yếu ớt, theo SCMP. Trong một bài phát biểu tại Viện Hudson ngày 4/10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói giao dịch chứng khoán Trung Quốc đã giảm 25% trong 9 tháng đầu năm vì Washington “đã đứng lên mạnh mẽ chống lại các hành vi thương mại của Bắc Kinh”.
Thông báo của ngân hàng trung ương Trung Quốc đến trong thời điểm gia tăng căng thẳng tại môi trường nước ngoài của Trung Quốc, Mỹ đặc biệt tích cực hoạt động nhằm siết chặt Trung Quốc trên nhiều mặt trận từ thương mại đến an ninh.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối tháng 9 vừa qua tuyên bố nước này sẽ đi theo con đường “tự dựa vào chính mính”, sau khi chính phủ điều chỉnh trọng tâm kinh tế để đối phó với chiến tranh thương mại, đáng chú ý nhất là đặt giảm nợ - một ưu tiên kinh tế vào tâm điểm.
Với động thái giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ 4 trong năm, Bắc Kinh cũng cho thấy sự khác biệt trong chính sách tiền tệ của nước này so với Mỹ. Cuối tháng 9, Ngân hàng Dự trữ liên bang Washington tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên 0,25%, đạt một trong số những mức cao nhất trong 10 năm và dự định tiếp tục lặp lại trước khi hết năm 2018, làm thêm vài lần năm 2019.
Xu Jianwei, nhà kinh tế học Trung Quốc từ ngân hàng Pháp Natixis tại Hong Kong, cho rằng chính phủ Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác là phải đi theo con đường khác Mỹ trong chính sách tiền tệ. “Trong chiến tranh thương mại, kinh tế Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi không có nhiều niềm tin từ các nhà đầu tư… điều đó khiến Trung Quốc phải bổ sung thanh khoản (vào nền kinh tế)” – ông nói./. Phát động hẳn một “Thế chiến” thương mại, Mỹ vẫn lỗ nặng vì đâu?
5 điểm nhấn trong bài chỉ trích trực diện Trung Quốc của Phó Tổng thống Mỹ M.Pence