Trung Quốc sẽ phóng vệ tinh thám hiểm Mặt trăng Hằng Nga 2 vào cuối năm nay
Vệ tinh Hằng Nga 2 đã thực hiện 6 bước đột phá lớn về công nghệ, hiện đang trong quá trình lắp ráp đồng bộ và kiểm tra sát hạch chất lượng.
Hôm qua (12/1), Công trình thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc mang tên Hằng Nga 2 đã được Chính phủ nước này trao tặng giải thưởng đặc biệt về tiến bộ khoa học kỹ thuật cấp Nhà nước. Dự kiến, Hằng Nga 2 sẽ được phóng lên quỹ đạo vào cuối năm nay.
Phát biểu tại lễ trao giải, ông Ngô Vĩ Nhân, Tổng thiết kế sư Công trình thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc cho biết, vệ tinh Hằng Nga 2 đã thực hiện 6 bước đột phá lớn về công nghệ, hiện đang trong quá trình lắp ráp đồng bộ và kiểm tra sát hạch chất lượng.
Trong lần phóng này, Hằng Nga 2 sẽ bay thẳng lên quỹ đạo Mặt trăng, thay vì phải lượn quanh Trái đất trước khi đi vào quỹ đạo như Hằng Nga 1. Điều này đòi hỏi lực đẩy của tên lửa đẩy phải lớn hơn, độ chính xác khi đi vào quỹ đạo cao hơn.
Được biết, Hằng Nga 2 sẽ hoạt động trên quỹ đạo cách Mặt trăng 100 km thay vì 200 km như Hằng Nga 1; được trang bị máy ảnh CCD có độ phân giải sắc nét đến 10 m, thay vì 120 m như Hằng Nga 1.
Sứ mệnh của Hằng Nga 2 là tiến hành các thí nghiệm khoa học về sự phân bố của các nguyên tố trên bề mặt Mặt trăng, độ dày của lớp đất trên Mặt trăng, môi trường không gian giữa Trái đất và Mặt trăng, đồng thời mở đường để vệ tinh Hằng Nga 3 thực hiện hạ cánh mềm trên bề mặt Mặt trăng./.