Trung Quốc tiếp tục lăm le Biển Đông; nữ nạn nhân tử vong sau vụ cháy
VOV.VN - Quan chức ngoại giao Mỹ tiếp tục chỉ trích gay gắt thái độ và hành vi của Trung Quốc thay đổi hiện trạng trên Biển Đông.
1. Trung Quốc lại đưa giàn khoan vào vùng chống lấn ở Biển Đông
Vừa xuất hiện một động thái mới nguy hiểm cần được theo dõi chặt chẽ: Giàn khoan Hải Dương-981 bắt đầu tiến vào vùng chồng lấn trên Biển Đông.
Vị trí giàn khoan Hải Dương 981 (Đồ họa: V.Thái - V.Anh - T.Thiên/ Tuổi trẻ) |
Theo Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc (MSA), giàn khoan Hải Dương- 981 tiến vào vùng chồng lấn và sẽ thăm dò dầu khí từ 25/6- 20/8.
Tờ The Diplomat trích dẫn tin tức từ báo chí Việt Nam về việc giàn khoan Hải Dương- 981 của Trung Quốc đã tái triển khai ngoài khơi đảo Hải Nam và về phía Tây quần đảo Hoàng Sa.
Theo Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc (MSA), giàn khoan này sẽ thăm dò dầu khí từ 25/6- 20/8. Thông báo của MSSA cảnh báo cấm các tàu bè lai vãng “trong bán kính 2km xung quanh giàn khoan Hải Dương- 981”.
Chuyên gia về Trung Quốc, Taylor Travel, cho biết: “Vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn tại vị trí đó là 100%, hai bên đều có các lô dầu khí hoạt động nằm ở phía mình”.
Các tọa độ do MSA cung cấp chỉ ra rằng giàn khoan Hải Dương- 981 gần nhất với lô dầu 115 của Việt Nam.
Hải Dương- 981 là giàn khoan mà Bắc Kinh từng hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5/2014, tạo ra một làn sóng chỉ trích ở trong khu vực nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.
Trong khi đó Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phát biểu: "Chúng ta đang chứng kiến Trung Quốc cưỡng chế thay đổi hiện trạng Biển Đông - hành vi mà Mỹ và các đồng minh đều đồng lòng chống lại".
|
Reuters trích lời Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken gọi dự án của Trung Quốc cải tạo đảo với quy mô lớn ở Biển Đông, là "mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định" trong khu vực.
Ông nói rằng Mỹ không có vị trí tranh chấp trên Biển Đông, nhưng quan tâm mạnh mẽ tới diễn biến các hoạt động mà các bên liên quan đang theo đuổi, và quan tâm đến việc bảo đảm tự do hàng hải ở đây.
"Biện pháp cần làm tiếp theo đối với Trung Quốc và tất cả các bên liên quan là dừng ngay các hoạt động cải tạo và giải quyết mâu thuẫn theo các quy định của pháp luật", Reuters dẫn lời ông Blinken nói.
"Chúng ta đang chứng kiến Trung Quốc cưỡng chế thay đổi hiện trạng Biển Đông - hành vi mà Mỹ và các đồng minh đều đồng lòng chống lại", Blinken cho biết trong một bài phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu Chính sách An ninh Mỹ.
2. Hợp đồng vũ khí Nga-Syria khiến Israel lo ngại
Hệ thống tên lửa phòng không S 300 của Nga (Ảnh: Rosoboronexport) |
Đại sứ Syria tại Nga Riad Haddad cho biết, Moscow và Damascus sẽ sớm hoàn tất việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác kỹ thuật quân sự giữa 2 nước.
Trong một cuộc phỏng vấn với Interfax, ông Haddad cho biết: “Nga đang cung cấp tất cả hỗ trợ kỹ thuật và quân sự đầy đủ, theo sát các hợp đồng đã ký giữa hai nước. Hỗ trợ quân sự của Nga đối với quân đội Syria bao gồm các hoạt động huấn luyện và các khía cạnh khác”.
Đại sứ Riad Haddad nói thêm: “Tôi sẽ không tiết lộ ở đây Nga đang cung cấp những loại vũ khí nào, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng Nga dành cho Syria tất cả những gì cần thiết”.
“Ngay từ đầu Nga đã có lập trường rõ ràng trong cuộc khủng hoảng Syria, Moscow ủng hộ chính phủ và quân đội Syria cũng như sự đấu tranh bền bỉ của nhân dân Syria”, ông Haddad nhấn mạnh.
Đại sứ Syria cũng thông thông tin thêm, bên cạnh hỗ trợ về quân sự, 2 bên còn hợp tác trong việc ngăn chặn sự đường dây tuyển dụng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
“Syria và Nga hiện đang hợp tác trong nhiều lĩnh vực như quân sự, kinh tế, chính trị và ngoại giao và các vấn đề an ninh” ông Haddad nói.
Các chuyên gia cho rằng, thỏa thuận hợp tác kỹ thuật quân sự mà Đại sứ Syria đề cập rất có thể là các hợp đồng xuất khẩu hệ thống phòng không S-300 của Nga cho Syria từ năm 2013 mà chưa được hoàn thành.
3. Ukraine “dọa” chủ nợ trước cuộc đàm phán ngày mai
Ngày mai, các chủ nợ của Ukraine bao gồm IMF sẽ họp tại Mỹ (ảnh: wikicommons) |
Ukraine bất ngờ có những tuyên bố “cứng rắn” với các chủ nợ trước cuộc gặp ngày mai, nhằm tháo gỡ thế khó về kinh tế của Kiev.
Dự kiến ngày mai, nhóm các chủ nợ của Ukraine bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ nhóm họp tại Washington, Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Ukraine Jaresko khẳng định, Kiev sẽ tận dụng quyền tạm ngừng thanh toán nợ nếu không đạt được thỏa thuận nào với các chủ nợ của nước này.
Bà Jaresko cho biết thêm, khoản nợ 3 tỷ USD mà Ukraine nợ Nga cũng nên được cơ cấu lại, nhấn mạnh điều này là cần thiết cho một "mối quan hệ bình đẳng."
Trước đó, ngày 26/6 vừa qua, bà Jaresko cho biết, nhóm chủ nợ quốc tế nói trên đã từ chối đóng góp vào sự phục hồi của Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng Kiev đã sẵn sàng để cắt các khoản thanh toán nợ nếu đàm phán không đạt tiến triển.
4. Nạn nhân nữ 20 tuổi tử vong sau vụ nổ công viên Đài Loan
Một phụ nữ bị bỏng sâu đang được đặt trên một chiếc phao và chăm sóc ngay tại chỗ (ảnh: AFP) |
Đây là trường hợp tử vong đầu tiên sau vụ cháy nổ thương tâm tại một công viên giải trí ở Đài Loan.
“Hãng Thông tấn Trung ương” của Đài Loan xác định Li Pei-yun là ca tử vong đầu tiên trong thảm kịch công viên nước khiến hơn 500 người bị thương. Cô gái tội nghiệp này bị bỏng tới 90% cơ thể.
Tin tức cho hay cô này đang ở công viên Formosa với cậu em 12 tuổi, người cũng bị bỏng nặng và vẫn đang điều trị tích cực.
Ngọn lửa bùng lên sau khi chất bột màu sân khấu phát nổ. Người ta trước đó quăng chất bột này từ sân khấu xuống đám đông khoảng 1.000 người tại Công viên nước Formosa vào đêm 27/6.
Đại diện Sở Phòng cháy của thành phố Tân Bắc (Đài Loan) cho biết chất bột sử dụng trong sự kiện “Colour Play Asia” bùng cháy dọc theo mặt đất.
Theo cơ quan này, nguyên nhân vụ nổ và hỏa hoạn được xác định sơ bộ là do bột dùng để phun đã gặp phải sức nóng từ ánh đèn sân khấu.
Việc điều tra sự cố cháy nổ này đang diễn ra.
519 nạn nhân đã phải nhập viên tại 41 cơ sở y tế trong vùng. Hiện 181 người vẫn đang nằm ở khoa hồi sức cấp cứu./.