Trung Quốc và các cam kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
VOV.VN - Nhận thức được mình là một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới, Trung Quốc đang thể hiện những nỗ lực và cam kết nhằm góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Cộng đồng quốc tế đang ngày càng nhận thức rõ hơn tính cấp bách của vấn đề biến đổi khí hậu và những nỗ lực tập thể trên quy mô toàn cầu để giải quyết vấn đề này. Các cường quốc đóng vai trò quan trọng, đi dầu trong việc đưa ra các đề xuất, cam kết cũng như đóng góp tài chính cho các giải pháp về chống biến đổi khí hậu. Trung Quốc, quốc gia đứng cùng Mỹ trong danh sách hai nước phát thải lượng khí thải CO2 nhiều nhất thế giới, nên chính sách khí hậu của nước này có tác động lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Nhận thức được mình là một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới, Trung Quốc đang thể hiện những nỗ lực và cam kết nhằm góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Ngày 22/9/2020, phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 75, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố, nước này đặt mục tiêu phát thải CO2 đạt đỉnh vào trước năm 2030 và sau đó đưa về 0 trước năm 2060. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra kế hoạch cụ thể để đạt được mức phát thải về 0.
Hơn 1 năm sau, ngay trước Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), ngày 24/10, chính phủ Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn về các biện pháp sơ bộ nhằm đạt được các mục tiêu trên. Tiếp đó, ngày 27/10, nước này đã công bố Sách trắng về chính sách và hành động của Trung Quốc ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là lần thứ hai nước này ban hành Sách trắng về ứng phó biến đổi khí hậu trên bình diện quốc gia kể từ năm 2011.
Sách trắng đã đưa ra phác thảo Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) của Trung Quốc về phát triển kinh tế-xã hội quốc gia và tầm nhìn đến năm 2035, trong đó đặt ra chỉ tiêu ràng buộc là “giảm lượng khí thải CO2 trên một đơn vị GDP xuống 18% vào năm 2025 so với năm 2020” và giảm hơn 65% vào năm 2030 so với năm 2005.
Trung Quốc cũng sẽ dần tăng thị phần tiêu thụ năng lượng từ các nguồn tài nguyên không phải hóa thạch lên khoảng 25% vào năm 2030 và hơn 80% vào năm 2060. Mới đây, Trung Quốc còn quyết định dừng xây mới các dự án nhiệt điện sử dụng than đá ở nước ngoài; khẳng định kiên trì với lộ trình phát triển xanh và ít phát thải, siết chặt kiểm soát khí thải và tăng hoạt động hỗ trợ tài chính xanh.
Mặc dù vậy, kế hoạch phát thải mới mà Bắc Kinh vừa đệ trình lên Liên Hợp Quốc trước thềm COP26, được một số quốc gia đánh giá là chỉ cải thiện một cách khiêm tốn.
Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 29/10 đã yêu cầu ông đẩy nhanh việc đạt đỉnh phát thải vào năm 2025, sớm hơn cam kết trước đó 5 năm, song không nhận được sự đồng ý từ lãnh đạo Trung Quốc.
Ngay sau đó, trong phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ngày 30/10, ông Tập đã kêu gọi “G20 nên duy trì nguyên tắc về các trách nhiệm chung nhưng có sự khác biệt” trong việc thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời hối thúc các nước phát triển “nêu gương” trong vấn đề giảm phát thải, xem xét đầy đủ các khó khăn và mối quan tâm đặc biệt của các nước đang phát triển, thực hiện các cam kết tài trợ về khí hậu và hỗ trợ các nước đang phát triển về công nghệ và nâng cao năng lực.
Khách quan mà nói, Trung Quốc là quốc gia gây ô nhiễm khí nhà kính lớn nhất thế giới dẫn đến tình trạng ấm lên toàn cầu và sử dụng nhiều than hơn phần còn lại của thế giới cộng lại, nhưng cũng là quốc gia dẫn đầu thế giới về sử dụng năng lượng tái tạo, và trong những năm gần đây nước này đã có lập trường mạnh mẽ hơn về hành động vì khí hậu.
Dù vậy, mức chia sẻ công bằng về khí hậu của cả Trung Quốc và Mỹ - hai nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới, đều được đánh giá là “chưa đủ cao”. Nói cách khác, không nước nào cắt giảm đủ lượng carbon hoặc thực hiện quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đủ nhanh để hạn chế tình trạng Trái Đất nóng lên ở mức 1,5 độ như kỳ vọng của COP26./.