Trung Quốc xây đảo nổi khổng lồ nhằm giành lợi thế trên Biển Đông?
VOV.VN- Quân đội Trung Quốc đang âm mưu xây dựng một đảo nhân tạo khổng lồ có khả năng điều động đến bất kỳ nơi nào trên thế giới, đặc biệt là Biển Đông.
Theo tạp chí Navy Recognition, Tập đoàn Phát triển Jidong đã công bố thiết kế đầu tiên của một “cấu trúc nổi cực lớn” (VLSF) do Trung Quốc tự chế tạo trong Triển lãm Thành tựu Khoa học Công nghệ Quốc phòng tại Bắc Kinh vào cuối tháng 7 vừa qua.
Theo đó, cấu trúc này bao gồm rất nhiều những vật thể nổi có thể gắn kết chặt chẽ với nhau trên biển để tạo ra một “đảo nổi” với quy mô cực lớn.
Mô hình đảo nổi sử dụng cấu trúc VLSF của Trung Quốc. Ảnh Business Insider |
Navy Recognition nhận định VLSF sẽ được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, trong đó, cấu trúc này có thể trở thành các cầu cảng, các căn cứ quân sự hoặc thậm chí là các sân bay nổi trên biển.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc mới chỉ tuyên bố, họ sẽ thiết kế VLSF để tạo ra các đảo nổi với mục đích biến các đảo này thành các căn cứ quân sự.
Theo tạp chí Popular Science, thiết kế hình khối và có thể lắp ráp như các miếng Lego sẽ cho phép biến VLSF thành các đảo xa bờ một cách cực kỳ dễ dàng. Ngoài ra, kết cấu lắp ghép cũng như vật liệu của VLSF đảm bảo rằng những hòn đảo nổi mà kết cấu này tạo nên sẽ cực kỳ khó chìm.
Cũng theo Popular Science, nếu được lắp ráp đúng cách, về lý thuyết, một kết cấu được làm từ VLSF hoàn toàn có thể chở được nhiều máy bay và các trang thiết bị quân sự hơn cả một chiếc tàu sân bay truyền thống.
Ngoài ra, so với tàu sân bay, kết cấu này sẽ giúp tạo ra một đường băng dài hơn cho phép các máy bay cỡ lớn có thể cất cánh và hạ cánh trên đó. Tuy nhiên, kết cấu này có tình cơ động thấp hơn nhiều so với một tàu sân bay.
Dù Trung Quốc chưa bắt tay vào xây dựng một kết cấu VLSF cụ thể nào, một quan chức nước này đã tiết lộ rằng, Trung Quốc đang quan tâm đến việc làm thể nào để có thể tận dụng kết cấu này để “tạo ưu thế trong tranh chấp ở Biển Đông”.
Theo đó, ý tưởng về một đảo nhân tạo có thể nổi trên biển được làm từ VLSF được giới chức Trung Quốc cho là “có tầm ảnh hưởng chiến lược”.
“Với tốc độ cải tạo các đảo nhân tạo thành các tiền đồn quân sự ở Biển Đông cực nhanh hiện nay của Trung Quốc, kết cấu VLSF trở nên cực kỳ hữu dụng đối với nước này. Kết cấu này sẽ giúp Trung Quốc cân bằng ưu thế của Mỹ do có nhiều căn cứ hơn nước này trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương”, ông Jack Detsch nhận định trên tạp chí Diplomat./.