Trước thềm COP26, các nước vùng trũng thấp cảnh báo “bản án tử hình”
VOV.VN - Với tốc độ phát thải như hiện nay, nhiệt độ trái đất dự báo sẽ tăng 2,7 độ C hoặc hơn, vào cuối thế kỷ này, vượt ngưỡng yêu cầu mà Thỏa thuận khí hậu Paris đề ra.
Tại các phiên thảo luận của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra trong tuần qua, lãnh đạo các quốc đảo và có địa hình trũng, thấp đã kêu gọi các nước giàu hành động mạnh mẽ hơn để giảm thiểu tình trạng ấm nóng toàn cầu. Với tốc độ phát thải như hiện nay, nhiệt độ trái đất dự báo sẽ tăng 2,7 độ C hoặc hơn, vào cuối thế kỷ này, vượt ngưỡng yêu cầu mà Thỏa thuận khí hậu Paris đề ra.
Theo các nhà khoa học, việc các nền kinh tế phát triển không thể hạn chế hiệu quả lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã góp phần làm gia tăng mực nước biển dâng và thực trạng này đặc biệt đe dọa các quốc gia đảo và các nước vùng trũng, thấp. Phát biểu tại diễn đàn Liên Hợp Quốc, nguyên thủ các quốc gia duyên hải và có địa hình trũng cảnh báo, mực nước biến tiếp tục dâng cao, khiến các nước ven biển chịu rủi ro lụt lội và bị tàn phá.
Tổng thống Maldives Ibrahim Mohamed Solih lưu ý, nhiệt độ trái đất tăng quá 2 độ C sẽ là bản án tử hình dành cho Maldives. Tổng thống Guy-a-na Irfaan Ali chỉ trích các nước gây ô nhiễm lớn đã không thực hiện cam kết hạn chế khí thải, đồng thời cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ giết chết nhiều người hơn đại dịch COVID-19.
“Các quốc đảo nhỏ và các quốc gia lục địa có đường bờ biển trũng như Guy-a-na sẽ là những quốc gia đầu tiên gánh chịu toàn bộ hậu quả của thảm họa sắp xảy ra. Trong khi đó, các nước như Guy-a-na lại nằm trong số những quốc gia phát thải khí nhà kính thấp nhất, góp phần ít nhất vào việc hủy hoại do biến đổi khí hậu. Điều này không chỉ không công bằng, mà là bất công.
Tổng thống Pa-lau Surangel Whipps, quốc đảo ở Thái Bình Dương cho rằng, thế giới không còn nhiều thời gian: "Nói một cách đơn giản, chúng ta phải hành động ngay bây giờ để đảm bảo thế hệ con cháu chúng ta được thừa hưởng một tương lai lành mạnh và đáng tin cậy. Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ trước khi những thiệt hại không thể khắc phục được gây ra cho hành tinh của chúng ta. Là một 1 thành viên thuộc Nhóm các quốc đảo nhỏ đang phát triển), chúng tôi thuộc một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu và chúng tôi kêu gọi nhanh chóng hành động đa phương và toàn diện”.
Theo Thỏa thuận khí hậu Paris ký năm 2015, để khống chế mức nhiệt toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C, ngưỡng an toàn để tránh những tác động tồi tệ đối với trái đất, thế giới cần phải cắt giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2050./.