TTK LHQ gửi thông điệp Ngày thế giới phòng chống bom mìn

(VOV) - Chiến lược hành động của LHQ từ nay đến năm 2018 đặt ra các bước nhằm xây dựng một thế giới an toàn hơn.

Ngày 4/4, Liên Hợp Quốc kỷ niệm Ngày thế giới phòng chống bom mìn, trong bối cảnh xung đột, bạo lực và đổ máu tiếp diễn ở nhiều nước khiến hậu quả của chất nổ tàn dư sau chiến tranh sẽ còn kéo dài nhiều thập kỷ nữa. Nhân ngày này, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon gửi thông điệp kêu gọi tất cả các nước trên thế giới tiếp tục thực hiện nghiêm túc những cam kết quốc tế về phòng chống bom mìn để xây dựng một thế giới an toàn hơn.

Đến nay đã có 161 nước trên thế giới nhất trí ràng buộc với Công ước cấm mìn sát thương cá nhân năm 1997. Ngoài ra, có 111 nước đã ký Công ước chống đạn chùm (CMM) và 81 nước tuân thủ Hiệp định thứ 5 về chất nổ còn sót lại sau chiến tranh của Công ước Liên Hợp Quốc về Vũ khí thông thường (CCCW). T

Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh, loại trừ mối đe dọa từ bom mìn và chất nổ còn sót lại của chiến tranh là sự đóng góp hết sức quan trọng cho những tiến bộ về hòa bình, phát triển và thúc đẩy quá trình chuyển giao của một dân tộc sau chiến tranh cũng như cứu sống nhiều mạng người.

Ông Ban Ki-moon cho biết, trong những năm qua, Liên Hợp Quốc đã cử Đội hành động bom mìn (UNMAS) đến giúp đỡ hàng triệu người ở Afghanistan, Campuchia, Columbia, Lào, Lebanon, Nam Sudan và nhiều nước trên thế giới thoát khỏi nguy cơ thương vong vì bom mìn, giáo dục về mối đe dọa của chất nổ chiến tranh nói chung và hỗ trợ các nạn nhân của bom mìn. Chiến lược hành động của Liên Hợp Quốc về phòng chống bom mìn giai đoạn 2006 đến 2011 đặt các mục tiêu như: giảm ít nhất 50% số thương vong vì bom mìn, giảm nguy cơ cho cộng đồng, mở rộng tự do đi lại cho ít nhất 80% những cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, xây dựng kế hoạch tái thiết và phát triển cho ít nhất 15 nước và hỗ trợ phát triển các tổ chức quốc gia để kiểm soát chất nổ sau chiến tranh đồng thời tăng cường khả năng ứng phó với bom mìn cho ít nhất 15 nước trên thế giới.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon nêu rõ, Chiến lược hành động của Liên Hợp Quốc về phòng chống bom mìn giai đoạn tiếp theo, từ nay đến năm 2018 đặt ra hàng loạt các bước nhằm xây dựng một thế giới an toàn hơn. Tuy nhiên, Tổng Thư ký cũng bày tỏ lo ngại rằng những cuộc chiến đang tiếp diễn như ở Mali hay Syria sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng về bom mìn trong tương lai./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên