Tự do hàng hải phải được tôn trọng và thực thi trên mọi vùng biển

VOV.VN - “Tự do hàng hải, đây là việc không chỉ của riêng một khu vực nào đó. Tự do hàng hải cần phải được đảm bảo một cách toàn diện và có hệ thống...".

“Tự do hàng hải phải được tôn trọng và thực thi ở các vùng biển”. Đó là thông điệp nổi bật tại phiên họp: “An ninh hàng hải: Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và phương thức liên lạc trong tình huống khủng hoảng” diễn ra chiều 11/6 trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La 2022 tại Singapore.

Tại phiên họp, các diễn giả đều nhất trí với quan điểm rằng các thỏa thuận và chuẩn mực được quốc tế công nhận và hệ thống các bên đang cùng áp dụng, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và việc thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), sẽ góp phần thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng; bảo vệ các quyền tự do hàng hải của các quốc gia trong khu vực.

Chia sẻ quan điểm này, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc John C. Aquilino nhấn mạnh: “Hầu hết các quốc gia trong khu vực đều chia sẻ quan điểm chung về một khu vực Thái Bình Dương tự do, cởi mở, và không bị ép buộc. Chúng ta, các quốc gia dù lớn hay nhỏ, đều có tiếng nói bình đẳng trong giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và phát triển theo một trật tự có quy tắc nhằm bảo đảm quyền lợi của mỗi chúng ta”.

Trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp, tranh chấp trên các vùng biển đang gia tăng, bà Alice Guitton, Tổng Vụ trưởng Quan hệ quốc tế và Chiến lược Bộ Quân đội Pháp, cho rằng việc tôn trọng Luật pháp quốc tế, đảm bảo an ninh và tự do hàng hải sẽ là nhân tố giảm thiểu bất đồng và nguy cơ xung đột. Quan trọng hơn là ý thức, trách nhiệm của mỗi quốc gia để đảm bảo tuân thủ và thực thi Luật pháp quốc tế.

“Tự do hàng hải, đây là việc không chỉ của riêng một khu vực nào đó. Tự do hàng hải cần phải được đảm bảo một cách toàn diện và có hệ thống. Tự do hàng hải vô cùng quan trọng cả ở biển Baltic, biển Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương, và cả ở Thái Bình Dương. Đây là điều mà chúng ta không thể không tuân thủ và thực hiện ở tất cả mọi nơi" - bà Alice Guitton nói

Tại phiên thảo luận, dẫn mô hình thành công từ việc áp dụng Hiệp ước tuần tra Eo biển Malacca ký kết giữa Singapore, Malaysia, Indonesia năm 2006, ông Aaron Beng, Tham mưu trưởng Hải quân Singapore cho rằng nếu các nước trong khu vực có thể xây dựng những thỏa thuận tương tự như vậy, thì sẽ có thể thúc đẩy đảm bảo trật tự và tự do hàng hải trong khu vực.

Ông Aaron Beng cho rằng, chúng ta phải thừa nhận một số thành công về đảm bảo trật tự và tự do hàng hải trong khu vực. Một trong số đó là Hiệp ước tuần tra Eo biển Malacca. Với cơ chế này, lực lượng hải quân Singapore, Indonesia, Malaysia, và Thái đã phối hợp cùng nhau tổ chức tuần tra, giám sát, trao đổi thông tin để ngăn chặn và chấm dứt nạn cướp biển tại khu vực này, đưa Eo biển Malacca ra khỏi danh sách “khu vực rủi ro chiến tranh” do Hãng bảo hiểm Lloyd (Anh) xếp hạng vào năm 2006.

Đối thoại Shangri-la được coi là sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất mà Singapore chủ trì tổ chức sau hơn 2 năm bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19. Những hoạt động ngoại giao song phương, đa phương bên lề cùng chương trình nghị sự với nhiều phiên thảo luận nhất trong nhiều năm qua cho thấy Đối thoại Shangri-la 2022 sẽ là diễn đàn góp phần xây dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại vì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên