Tương lai của Hy Lạp và châu Âu “mắc kẹt” ở Slovakia

Sau cái “lắc đầu” của Slovakia khiến không ít ý kiến đặt nghi vấn về tính ràng buộc chặt chẽ trong nội khối Eurozone.

Với 55 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 60 phiếu trắng, Quốc hội Slovakia ngày 11/10, bỏ phiếu phản đối việc mở rộng Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu (FESF). Trở ngại duy nhất và cũng là cuối cùng ở quốc gia thành viên nhỏ bé Slovakia đã làm dừng lại mọi kế hoạch thúc đẩy hiệu quả cho Quỹ trong tình hình nước sôi lửa bỏng hiện nay.

Quyết định mở rộng FESF đã được các nhà lãnh đạo châu Âu nhất trí thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu hôm 21/7 vừa qua nhằm chống cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng euro.

Lâu nay, các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn tin tưởng rằng, FESF là phương tiện không thể thiếu để đảm bảo rằng Hy Lạp sẽ được hỗ trợ vượt qua khó khăn và qua đó tránh được hiệu ứng lây truyền sang các nền kinh tế dễ bị tổn thương khác như Italy hay Tây Ban Nha.

Tưởng chừng những rào cản lớn nhất đối với việc đưa FESF vào áp dụng đều đã ở phía sau, khi mà những cuộc bỏ phiếu khó khăn ở Đức và Phần Lan gần đây đều đã vượt qua được. Tuy nhiên, quốc gia nhỏ bé Slovakia lại là trở ngại lớn cuối cùng. Trớ trêu thay, cuộc bỏ phiếu thất bại tại Quốc hội Slovakia lại bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng chính trị ngay bên trong nội bộ Slovakia.

Mặc dù Chính phủ Slovakia đã khẳng định quyết tâm của mình bằng cách coi cuộc bỏ phiếu này như một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chính phủ. Tuy nhiên, điều này không đủ sức nặng để thuyết phục một đảng trong liên minh Chính phủ cầm quyền, Phong trào Tự do và đoàn kết (SaS), bỏ phiếu chống. SaS có tư tưởng bài châu Âu cho rằng người Slovakia quá nghèo để có thể đứng ra trả giá cho sai lầm của những nước khác.

Quyết định của Quốc hội Slovakia không chỉ là một gáo nước lạnh đổ vào nỗ lực của các nước châu Âu, mà còn gây nhiều bất lợi cho chính quốc gia thành viên EU này. Về chính trị, đây rõ ràng là thất bại lớn của Chính phủ cầm quyền Slovakia trong việc chứng tỏ cam kết nội khối khu vực đồng tiền chung.

Đây không phải là lần đầu tiên Slovakia muốn đứng ngoài cuộc dù là thành viên của khu vực đồng euro từ năm 2009. Nước này đã từ chối tham gia kế hoạch đầu tiên hỗ trợ Hy Lạp hồi tháng 5/2010. Xét về mặt tài chính, Slovakia- chỉ phải đóng góp 7,7 tỷ euro - một phần nhỏ so với các nước thành viên khác cho việc mở rộng FESF- sẽ phải chịu thiệt hại không ít do cũng có nhiều ngân hàng đang trong tình cảnh khó khăn.

Về phía EU, với cái “lắc đầu” tại Quốc hội Slovakia, mọi kế hoạch, mọi thảo luận về việc sử dụng FESF vào giải cứu các nạn nhân khủng hoảng nợ công sẽ phải tạm dừng.

Một lần nữa, không ít ý kiến đặt nghi vấn về tính ràng buộc chặt chẽ trong nội khối khu vực đồng tiền chung châu Âu, theo đó, các quyết sách quan trọng phải được 100% các nước thành viên - bất luận là nước lớn hay nước nhỏ thông qua thì mới có thể được thi hành.

Kết quả bỏ phiếu tại Quốc hội Slovakia đã làm lộ rõ mặt trái của nguyên tắc trên, làm ngưng trệ các kế hoạch cứu trợ- vốn đang được mong chờ như liều thuốc cấp cứu cho các “con bệnh” như Hy Lạp hay Ngân hàng Dexia… Các thủ tục phức tạp càng khó tạo niềm tin cho người dân châu Âu rằng các chính phủ có thể kịp thời và hiệu quả đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công. 

Trước cuộc bỏ phiếu, các nhà lãnh đạo Slovakia cho biết sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu khác, trong đó thuyết phục Đảng Xã hội Dân chủ đối lập ủng hộ việc tăng cường FESF. Tuy nhiên, chưa có thông tin gì về cuộc bỏ phiếu thứ hai này và dù nó có xảy ra, dư âm của cuộc bỏ phiếu thứ nhất sẽ còn lan rộng trong những ngày tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên