Tương lai thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen vẫn bấp bênh dù được gia hạn
VOV.VN - Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen đã được gia hạn thêm 120 ngày. Liên Hợp Quốc và các bên liên quan ngay lập tức hoan nghênh bước đi tích cực này, cho rằng sẽ giúp hạ nhiệt giá cả trên toàn cầu cũng như tránh cho thế giới lún sâu vào khủng hoảng lương thực.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hoan nghênh sự đồng thuận của các bên về việc gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận này.
“Tôi vô cùng xúc động khi biết rằng ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Nga và Liên Hợp Quốc vừa đi đến nhất trí gia hạn sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen, cho phép tự do xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Liên Hợp Quốc sẽ làm mọi thứ có thể để trung tâm điều phối chung thực hiện suôn sẻ các thỏa thuận này ở Istanbul và cũng để loại bỏ những trở ngại còn lại đối với việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón từ Nga - điều cần thiết để tránh một cuộc khủng hoảng lương thực vào năm tới”, ông Guterres nói.
Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những bên bảo trợ chính cho thỏa thuận, cũng ngay lập tức đánh giá cao việc gia hạn thỏa thuận thêm 4 tháng. Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, việc thực thi thỏa thuận đóng vai trò rất quan trọng đối với việc duy trì an ninh lương thực toàn cầu.
Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky dẫn số liệu cho thấy, kể từ ngày 1/8, hơn 450 tàu đã chở 11 triệu tấn ngũ cốc Ukraine và các thực phẩm khác đi khắp thế giới. Ông Zelensky một lần nữa khẳng định, việc nối lại hoạt động xuất khẩu nông sản của Ukraine là "điều khiến thế giới thấy rõ hơn tầm quan trọng của nước này".
“Hàng chục triệu người, chủ yếu ở các nước châu Phi, đã được cứu thoát khỏi nạn đói, đặc biệt là nhờ các nguồn cung từ các cảng của chúng tôi theo khuôn khổ Chương trình Lương thực của Liên hợp quốc. Điều này cũng có thể làm giảm căng thẳng trên thị trường lương thực toàn cầu. Tức là giá lương thực thấp hơn đáng kể so với khi chúng tôi không xuất khẩu lương thực”, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh,
Thời gian gia hạn thỏa thuận là 120 ngày vốn ít hơn khoảng thời gian một năm mà Liên Hợp Quốc và Ukraine mong đợi, song phía Nga đánh giá thời hạn này là "hợp lý". Bộ Ngoại giao Nga hy vọng Liên Hợp Quốc sẽ thực hiện lời hứa dỡ bỏ những hạn chế đối với việc xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga. Nga muốn đẩy mạnh việc xuất khẩu khí Amoniac, thành phần quan trọng trong sản xuất phân bón, thông qua các đường ống qua biển Đen. Nước này còn muốn Liên hợp quốc cam kết ngăn chặn những hành vi lợi dụng hành lang nhân đạo ở biển Đen để thực hiện các mục tiêu quân sự.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Liên Hợp Quốc đã cam kết sẽ đảm bảo hoạt động xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga. Chúng tôi nhận thấy rằng những gì mà Liên Hợp Quốc đã làm đã thực sự mang lại kết quả. Đã có một tuyên bố chung từ Mỹ, Vương quốc Anh và EU về việc dỡ bỏ các cơ chế trừng phạt đối với các nhà xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga. Đây là một động thái quan trọng và tích cực”.
Mặc dù Nga vừa nhất trí gia hạn thỏa thuận Sáng kiến Biển Đen, song theo giới phân tích, lý do chính khiến Nga đưa ra quyết định như vậy đối với Thỏa thuận ngũ cốc là để giữ cho xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này an toàn trước các lệnh trừng phạt mà phương Tây đang áp đặt.
Nga quay trở lại với thỏa thuận ngũ cốc song số phận của thỏa thuận này vẫn khá bấp bênh, khi một phần nội dung liên quan tới xuất khẩu ngũ cốc, thực phẩm và phân bón của Nga trên thực tế không hề được triển khai một cách dễ dàng. Xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga đang gặp nhiều khó khăn bởi các biện pháp trừng phạt ngầm.
Việc Mỹ, EU và Anh áp đặt trừng phạt đang khiến các giao dịch tài chính trong lĩnh vực nông nghiệp trở nên khó khăn hơn do nhà điều hành chính của Nga là Rosselkhozbank đã bị hạn chế. Bộ Ngoại giao Nga đang rất trông đợi những lo ngại liên quan tới xuất khẩu sẽ sớm được xem xét đầy đủ trong những tháng tới./.