Tuyên bố Chủ tịch ASEAN: Củng cố cộng đồng, vai trò trung tâm và phục hồi toàn diện ASEAN
VOV.VN - Kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39, ASEAN đã ra Tuyên bố Chủ tịch, trong đó tái khẳng định cam kết củng cố Cộng đồng ASEAN, vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các thách thức cũng như thúc đẩy sự phục hồi toàn diện của ASEAN sau đại dịch.
Củng cố cộng đồng, xây dựng vai trò trung tâm ASEAN
Tuyên bố Chủ tịch nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy bản sắc và nhận thức ASEAN, thực hiện mong muốn được sống trong một khu vực hòa bình lâu dài, an ninh và ổn định, tăng trưởng kinh tế bền vững, chia sẻ thịnh vượng và tiến bộ xã hội thông qua các giá trị và nguyên tắc chung trong Hiến chương ASEAN; tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế để thích ứng trước những thách thức mới nổi. Các quốc gia ASEAN khẳng định cam kết hướng tới việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và phát triển Tầm nhìn Cộng đồng sau 2025.
Giữa những thách thức chưa từng có và tác động kinh tế xã hội do đại dịch COVID-19 mang lại, hội nghị biểu dương nỗ lực không ngừng của tất cả các cơ quan và bộ, ngành ASEAN về những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện Cộng đồng An ninh Chính trị ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), và Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN (ASCC), cũng như Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025.
Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong việc thúc đẩy phát triển tiểu vùng của ASEAN với quá trình hội nhập khu vực và xây dựng Cộng đồng của ASEAN, đặc biệt trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao tầm khu vực của ASEAN; nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN với các đối tác bên ngoài.
Nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19
Trong nỗ lực ứng phó với dịch Covid-19, ASEAN nhắc lại cam kết hợp tác giảm thiểu tác động của đại dịch thông qua năm 5 chiến lược của Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF), bao gồm: tăng cường hệ thống y tế; tăng cường an ninh con người; khai thác tối đa tiềm năng của thị trường nội khối ASEAN và hội nhập kinh tế sâu rộng hơn; tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện; và tiến tới một tương lai bền vững và kiên cường.
Trong đại dịch, các quốc gia thành viên ASEAN và đối tác đã cam kết đóng góp 25,8 triệu USD cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, trong đó 10,5 triệu USD đã được sử dụng để mua vaccine Covid-19 cho người dân và nhân viên Ban Thư ký ASEAN và sẽ sớm phân phối vào quý 1 và quý 2 năm 2022. ASEAN cần tiếp tục nâng cao năng lực tự cường, tự chủ vaccine, đảm bảo sự tiếp cận đầy đủ và đồng đều cho người dân, nhất quán với Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về vaccine ASEAN An ninh và Tự lực (AVSSR).
Các lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thông qua Khung thỏa thuận Hành lang đi lại ASEAN (ATCAF) nhằm tạo thuận lợi cho di chuyển thiết yếu trong khu vực, đồng thời tích cực xem xét khả năng công nhận lẫn nhau và áp dụng giấy chứng nhận tiêm vaccine điện tử cho người dân.
Hội nghị đã thông qua Khuôn khổ Toàn diện ASEAN về nền kinh tế chăm sóc; khuyến khích các nước thành viên và các đối tác bên ngoài, các tổ chức quốc tế và các nguồn lực khác đóng góp cho Kho dự phòng vật tư y tế khu vực (RRMS); thúc đẩy việc thành lập và sớm đưa vào hoạt động Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED).
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Bandar Seri Begawan về Sáng kiến chiến lược và toàn diện nhằm liên kết các ứng phó của ASEAN với các tình huống khẩn cấp và thảm họa (ASEAN SHIELD).
Phục hồi kinh tế sau đại dịch
Nhằm khôi phục kinh tế sau đại dịch, các nhà lãnh đạo ASEAN tái khẳng định cam kết duy trì thị trường mở, đảm bảo dòng chảy thương mại và đầu tư liên tục, kết nối chuỗi cung ứng, nhất là các sản phẩm thiết yếu. Hội nghị hoan nghênh việc phê chuẩn Hiệp định ASEAN về Thương mại điện tử và việc khởi động Kế hoạch công tác giai đoạn 2021-2025 về việc thực hiện hiệp định này; ghi nhận Chiến lược Tiếp thị Du lịch ASEAN (ATMS) mới giai đoạn 2021-2025.
ASEAN đã mở rộng danh mục hàng hóa thiết yếu theo Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc thực hiện các biện pháp phi thuế quan đối với các mặt hàng thiết yếu theo Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nỗi chuối cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 .
Hội nghị hoan nghênh việc thông qua “Lộ trình Bandar Seri Begawan: Chương trình nghị sự về chuyển đổi kỹ thuật số của ASEAN nhằm thúc đẩy nền kinh tế (BSBR)”; thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số trong khu vực; đánh giá cao việc thông qua Kế hoạch tổng thể kỹ thuật số ASEAN tới năm 2025 (ADM 2025) nhằm biến ASEAN thành một cộng đồng kỹ thuật số và khối kinh tế hàng đầu. Hội nghị cũng thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về Nền kinh tế Xanh; Tuyên bố các nhà lãnh đạo ASEAN về cải cách và sản xuất thực phẩm và đồ uống lành mạnh; Tuyên bố ASEAN về Thúc đẩy năng lực cạnh tranh, trong đó phục hồi lực lượng lao động ASEAN vốn bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch.
Đặt ra lộ trình hướng tới các mục tiêu dài hạn đầy tham vọng về khai thác hiệu quả tài nguyên, phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững, hội nghị thông qua Khung Kinh tế Tuần hoàn ASEAN, đồng thời hoan nghênh sáng kiến của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) nhằm phát triển Hệ thống Phân loại Tài chính Bền vững ASEAN.
Các vấn đề khu vực và quốc tế khác
Về tình hình Biển Đông, một số quốc gia thành viên ASEAN bày tỏ quan ngại về các hoạt động cải tạo, các hành động làm thiệt hại môi trường biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí tăng cường lòng tin, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Hội nghị cũng hoan nghênh mối quan hệ hợp tác không ngừng được cải thiện giữa ASEAN và Trung Quốc, tiến độ các cuộc đàm phán thực chất nhằm sớm đúc kết một Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả.
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng khẳng định lại các mục tiêu và nguyên tắc của Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương (AOIP), trong đó hướng dẫn sự tham gia của ASEAN ở các khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương rộng lớn hơn.
Hội nghị ra Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về việc duy trì chủ nghĩa đa phương tái khẳng định cam kết của ASEAN trong việc duy trì và thúc đẩy hợp tác và đối tác đa phương, dựa trên các nguyên tắc quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Về tình hình Myanmar, ASEAN bày tỏ quan ngại trước các báo cáo về số người chết và tình hình bạo lực gia tăng. Hội nghị hoan nghênh những nỗ lực của Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN về Myanmar và kêu gọi tất cả các bên liên quan ở Myanmar thực hiện nhanh chóng và đầy đủ Năm điểm Đồng thuận, bao gồm cả việc tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến thăm của Đặc phái viên đến Myanmar. ASEAN hoan nghênh cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar, thông qua Trung tâm hỗ trợ nhân đạo ASEAN (AHA).
ASEAN bày tỏ quan ngại về những phát triển gần đây ở khu vực Trung Đông, hoan nghênh lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào ngày 21/5/2021, đồng thời nhắc lại sự cần thiết của một giải pháp toàn diện, công bằng và bền vững cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine nhằm đạt được hòa bình và ổn định ở khu vực Trung Đông.
Cuối cùng, ASEAN cam kết tiếp tục đánh giá toàn diện về đơn gia nhập của Timor Leste, cam kết cung cấp hỗ trợ năng lực cho Timor Leste./.