UAE bỏ đạo luật tẩy chay Israel, Mỹ ráo riết thực hiện tầm nhìn về Trung Đông
VOV.VN - Mỹ đang hồ hởi thực hiện tầm nhìn hòa bình về Trung Đông, với việc UAE hủy bỏ đạo luật tẩy chay Israel.
Chưa đầy 2 tuần sau thỏa thuận hướng tới bình thường hóa quan hệ, Chính phủ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vừa thông báo sắc lệnh hủy bỏ đạo luật tẩy chay Israel, đánh dấu việc mở cửa thương mại và ngoại giao giữa hai bên.
Đạt được dưới sự trung gian hòa giải của Mỹ, văn kiện là minh chứng rõ nét nhất cho tham vọng của Mỹ tại Trung Đông, không chỉ là nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Iran tại khu vực, mà còn coi đây là bàn đạp để “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất Khalifa bin Zayed Al Nahyan hôm 29/8 đã ban hành sắc lệnh hủy bỏ đạo luật tẩy chay Israel, cũng như các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này, đồng thời cho phép thúc đẩy các thỏa thuận thương mại và tài chính giữa hai bên. Theo truyền thông UAE, các doanh nghiệp và đặc biệt là tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất từ nay đã có thể giao dịch với các doanh nghiệp hay cá nhân tại Israel.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ngay lập tức hoan nghênh sắc lệnh. Theo nhà lãnh đạo này, đây là một bước quan trọng nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực.
Trước đó cùng ngày, hãng hàng không El Al Airlines công bố kế hoạch vận hành chuyến bay trực tiếp đầu tiên của Israel, xuất phát từ sân bay Ben Gurion ở Tel Aviv tới thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Dự kiến, một phái đoàn Israel và Mỹ ngày mai sẽ có mặt trên chuyến bay đặc biệt này.
Theo Thủ tướng Israel, Cố vấn cấp cao, đồng thời là con rể Tổng thống Donald Trump, ông Jared Kushner và cố vấn an ninh quốc gia Israel Meir Ben Sahabbat sẽ có mặt trong phái đoàn tới Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất nhằm tìm kiếm các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác trong nhiều lĩnh vực như hàng không, du lịch, thương mại, y tế, năng lượng và an ninh.
Ông nói: “Tôi đã chỉ thị cho người đứng đầu hội đồng an ninh quốc gia dẫn đầu một phái đoàn chuyên nghiệp của Israel đến đàm phán tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất vào tuần tới. Cùng với một phái đoàn đến từ Mỹ, phái đoàn này sẽ có nhiệm vụ thúc đẩy hòa bình và bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Đây là một thỏa thuận lịch sử khi mang lại động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Tôi hy vọng các quốc gia khác trong khu vực sẽ tham gia vào vòng tròn hòa bình này.”
Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, được Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hôm 13/8 vừa qua, bị phía Palestine coi như một “sự phản bội” và không được nhiều nước Arab đón nhận. Với văn kiện này, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã trở thành quốc gia vùng Vịnh đầu tiên và là quốc gia Arab thứ 3 thiết lập các mối quan hệ với Israel sau Ai Cập (1979) và Jordania (1994).
Đối với Tổng thống Mỹ Trump, thỏa thuận hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất có ý nghĩa quan trọng trong tham vọng hiện thực hóa tầm nhìn hòa bình tại Trung Đông.
Khi cuộc bầu cử Tổng thống đang tới gần, tham vọng của nhà lãnh đạo Mỹ không chỉ là tạo lập một liên minh nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Iran tại khu vực, mà còn coi đây là bàn đạp “để đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, mà trước tiên là trên mặt trận ngoại giao. Với việc các nước Arab khác có thể sẽ theo bước Ai Cập, Jordania và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất tiến tới bình thường hóa quan hệ với Israel, Washington sẽ có điều kiện để thúc đẩy an ninh cũng như bảo vệ những lợi ích của Mỹ./.