Đức gia hạn cảnh báo hạn chế du lịch đến giữa tháng 6
VOV.VN - Chính phủ Đức gia hạn các cảnh báo hạn chế du lịch với người dân nước này đến ngày 14/6, trong bối cảnh lo ngại một làn sóng dịch thứ 2 trở lại.
Phát biểu trước báo giới trong ngày 29/4, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, quyết định về việc gia hạn cảnh báo hạn chế du lịch đến ngày 14/6 xuất phát từ thực tế là đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên chưa đủ điều kiện an toàn để người dân có thể đi du lịch.
“Một lí do khác nữa là nhiều quốc gia trong thời điểm này đã bắt đầu hoặc chuẩn bị nới lỏng các hạn chế nên cần phải chờ vài tuần nữa cho mọi việc trở lại bình thường tại Đức cũng như nước khác. Chúng tôi tin rằng, sẽ là vô trách nhiệm nếu gỡ các cảnh báo du lịch toàn cầu vào lúc này và cần phải kéo dài đến 14/6. Trong hai tuần qua, chúng tôi đã hồi hương 240.000 du khách Đức từ khắp nơi trên thế giới nên không muốn tiến hành một chiến dịch như thế nữa vào mùa Hè này”, Ngoại trưởng Heiko Maas nói.
Theo thông lệ hàng năm tại Đức, kỳ nghỉ mùa Hè sẽ bắt đầu sôi động từ ngày 22/6 nhưng với các diễn biến về dịch Covid-19 trên toàn thế giới như hiện nay, Đức cũng như hầu hết các nước châu Âu đều phát đi cảnh báo công dân không nên sớm đặt vé máy bay và khách sạn cho đợt du lịch Hè.
Đối với du lịch nội địa, Chính phủ Đức dự kiến sẽ đưa ra quyết định vào ngày 6/5. Nhiều khả năng Đức cũng sẽ hạn chế du lịch nội địa bởi trong vài ngày qua, sau khi nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, dịch Covid-19 đang có dấu hiệu lây lan mạnh trở lại tại Đức. Hệ số lây nhiễm của virus Sars-CoV-2 đã từ mức 0,7 hồi giữa tháng 4/2020 quay lại mức gần 1 hôm đầu tuần này.
Theo số liệu do Viện Robert Koch đưa ra, tính đến hết ngày 29/4, Đức có hơn 160.000 ca nhiễm bệnh và trên 6.400 người thiệt mạng vì dịch Covid-19.
Mặc dù so với các nước châu Âu khác, Đức được xem là đã kiểm soát tốt dịch Covid-19 nhưng tác động kinh tế đối với Đức cũng rất nghiêm trọng. Trong ngày 29/4, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cảnh báo, trong năm nay nước Đức có thể sẽ rơi vào suy thoái kinh tế trầm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, khi GDP dự kiến có thể sụt giảm đến 6,3%./.