Ukraine: Cuộc xung đột có thể bị đóng băng
VOV.VN -Những tranh cãi của các phe tham chiến trong việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn đang khiến hòa bình tại Ukraine ngày càng mong manh.
Hôm 19/2, Hội đồng An ninh quốc gia và Quốc phòng Ukraine đã thông qua quyết định kêu gọi Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU) triển khai lực lượng hòa bình tới khu vực xung đột thuộc miền Đông nước này. Cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia và Quốc phòng Ukraine diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng thống Poroshenco. Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thống Poroshenco cho biết đã đề nghị Liên hợp quốc xem xét việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine.
Ông Poroshenco phát biểu: “Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc triển khai tại Ukraine sẽ hoạt động dưới sự ủy nhiệm của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và khuôn khổ tốt nhất là một phái bộ cảnh sát từ Liên minh châu Liên minh châu Âu. Tôi hy vọng rằng, điều này sẽ nhanh chóng được thực hiện để có thể đảm bảo được hòa bình”.
Theo Tổng thống Ukraine Poroshenco, đây sẽ là biện pháp hiệu quả và phù hợp nhất để đảm bảo an ninh tại khu vực miền Đông nước này.
Đây được cho là một dấu hiệu rõ ràng về "sự lo ngại" của Ukraine sau khi lực lượng đối lập chiếm được thị trấn chiến lược Debaltseve, do lực lượng Ukraine kiểm soát, nằm trên tuyến đường xe lửa huyết mạch nối liền Donetsk và Lugansk ngay khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ hôm 15/2. Trước đó, cùng ngày, Ukraine đã rút hàng ngàn quân khỏi thị trấn Debaltseve sau nhiều tuần giao tranh ác liệt.
Còn phản ứng trước lời kêu gọi đưa lực lượng hoà bình Liên hợp quốc đến miền Đông Ukraine, Phó Bộ trưởng Quốc phòng nước Cộng hòa Donetsk tự xưng, ông Eduard Basurin tuyên bố: "Đối với việc chính quyền Kiev đề nghị Liên hợp quốc gửi nhân viên gìn giữ hòa bình tới đây thì khi cuộc xung đột nổ ra chúng tôi cũng đã đề nghị Liên bang Nga và các thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cử nhân viên giữ gìn hòa bình tới đây. Khi đó thì đề nghị của chúng tôi đã bị từ chối . Vì vậy, nếu họ muốn cử nhân viên hòa bình tới đây thì chúng tôi cũng không phản đối”.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, ông Vitaly Churkin lại khẳng định, Ukraine nên tập trung vào việc tuân thủ thỏa thuận Minsk” hơn là việc cầu viện đến sự giúp đỡ của quốc tế. Theo ông Churkin, yêu cầu của ông Poroshenco cho thấy ông này “thiếu quyết tâm” trong việc thực thi những gì mà nước này đã đồng ý với các đại diện ở miền Đông tại Minsk vào ngày 12/2.
Thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 15/2 được giám sát một cách rộng rãi tại những nơi khác ở đông Ukraine. Cả hai bên được cho là đã thu hồi một số vũ khí hạng nặng. Tuy nhiên, hiện nhân viên từ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), nhóm giám sát lệnh ngừng bắn không thể tiến vào Debaltseve.
Về phía Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry kêu gọi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngăn chặn các cuộc tấn công của lực lượng đối lập ở miền đông Ukraine sau thỏa thuận ngừng bắn mong manh.
Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Psaki cho biết: "Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Lavrov, ông Kerry kêu gọi người đồng cấp ngăn chặn những cuộc tấn công của phe đối lập vào các vị trí của quân đội Ukraine ở thành phố Debaltseve và các hành động vi phạm lệnh ngừng bắn. Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi Nga căn cứ theo thỏa thuận mà Moscow ký tại Minsk vào tháng 9 năm ngoái và tháng 2 năm nay, đảm bảo cho các nhân viên của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu tiếp cận Debaltseve”.
Một thỏa thuận ngừng bắn trước đó ký tại Minsk vào tháng 9 năm ngoái đã thất bại khi cuộc chiến nổ ra giữa lực lượng chính phủ và phe đối lập. Khu vực chịu sự kiểm soát của của lực lượng đối lập này đã được mở rộng. Trước những diễn biến biến tại miền Đông Ukraine, nhiều chuyên gia nhận định, thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine khó có thể giữ được và tình hình ở miền Đông Ukraine có thể trở thành một cuộc xung đột đóng băng./.