Ukraine kêu gọi phương Tây dỡ bỏ hạn chế vũ khí tầm xa
VOV.VN - Tổng thống Ukraine ngày 31/8 đã kêu gọi các nước phương Tây dỡ bỏ hạn chế về vũ khí tầm xa nhằm cho phép Ukraine ngăn chặn các cuộc không kích của Nga. Tuy nhiên, đề xuất này của Ukraine cho đến nay vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của phương Tây và lời đề nghị này cũng khiến cơ hội đối thoại giữa Nga và Ukraine ngày càng xa vời.
Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, một phái đoàn Ukraine, đang ở Mỹ và tham gia các cuộc họp ở nhiều cấp độ khác nhau để bàn về khả năng sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp nhằm tấn công các mục tiêu ở Nga. Theo Tổng thống Ukraine, đây là bước đi nhằm lập lại nền hòa bình ở Ukraine.
“Chúng tôi cần một cơ hội để thực sự và hoàn toàn bảo vệ Ukraine và người dân. Chúng tôi cần được cho phép sử dụng vũ khí tầm xa và chúng tôi cần đạn dược và tên lửa tầm xa. Những quyết định quan trọng này không thể bị trì hoãn vì chúng có thể tác động đến tình hình hiện tại theo những cách có lợi nhất”, Tổng thống Zelensky nói.
Đây không phải là lần đầu tiên Ukraine kêu gọi phương Tây dỡ bỏ các hạn chế về việc sử dụng vũ khí tầm xa. Tuy nhiên, cho đến nay, lời kêu gọi này vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của Mỹ và phương Tây. Giới chức Mỹ đã nhiều lần tuyên bố rằng việc cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí của phương Tây chỉ có thể làm xung đột leo thang. Vào tháng 6 vừa qua, Mỹ đã cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự của Nga ngay bên kia biên giới, nhưng vẫn duy trì lệnh cấm tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa.
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hôm qua đã thừa nhận cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga khiến các đồng minh bất ngờ. Theo ông Jens Stoltenberg, Ukraine không trao đổi trước với NATO về kế hoạch tấn công và liên minh quân sự này không đóng vai trò nào trong chiến dịch của Ukraine ở Kursk. Trước đó, một ngày, Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani thậm chí còn tuyên bố bên lề Hội đồng Đối ngoại Liên minh châu Âu rằng Ukraine không được phép sử dụng vũ khí mà Italia cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Không chỉ vấp phải sự phản đối của phương Tây, mà việc Ukraine sử dụng vũ khí tấn công sâu vào lãnh thổ Nga còn khiến cơ hội hòa bình giữa hai bên ngày càng xa vời. Trả lời phỏng vấn của đài truyền hình RT hôm qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo, các cuộc đàm phán giữa nước này và Ukraine có thể ngày càng khó khăn hơn theo thời gian.
Cách đây 1 năm rưỡi, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề cập đến các cuộc đàm phán tiềm năng và chúng tôi không phản đối việc này. Tuy nhiên, Ukraine cần hiểu rằng càng kéo dài thời gian, các bên càng khó để đi đến nhất trí về bất cứ điều gì.
Vòng đàm phán hòa bình đầu tiên giữa Ukraine và Nga được tổ chức vào tháng 3/2022 đã thất bại, bất chấp nỗ lực của các bên liên quan. Vào tháng 6 vừa qua, Tổng thống Putin từng nói rằng Nga sẽ ngừng bắn và bắt đầu đàm phán với Ukraine ngay khi Ukraine rút quân khỏi các khu vực mà Nga xem là lãnh thổ của Nga và từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ đề xuất này.