Ukraine mua vũ khí của Mỹ: Nguy cơ căng thẳng gia tăng với Nga
VOV.VN - Động thái của Ukraine có thể làm “nóng mắt” nước láng giềng Nga với cảnh báo Mỹ có thể đẩy Ukraine vào một cuộc chiến đổ máu.
Ukraine lần đầu tiên chính thức đề nghị mua trang thiết bị quân sự của Mỹ thông qua chương trình đặc biệt của Bộ Quốc phòng Mỹ. Đề nghị này được đưa ra trong bối cảnh có khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.
Với mối quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Ukraine được củng cố, có thể làm “nóng mắt” nước láng giềng Nga với cảnh báo Mỹ có thể đẩy Ukraine vào một cuộc chiến đổ máu.
Tổng thống Ukraine Zelenskiy. Ảnh: Yeni Safak |
Trong tuyên bố đăng tải trên trang điện tử của Đại sứ quán Mỹ tại Kiev, Đại biện lâm thời Mỹ tại Ukraine William Taylor thông báo, Mỹ rất hài lòng khi có thể cung cấp các thiết bị bổ sung cho Ukraine. Đặc biệt, hai tàu tuần tra Island từ Mỹ sẽ gia nhập hạm đội hải quân Ukraine trong vài tháng tới. Ngoài ra, Mỹ cũng đang xem xét yêu cầu của Ukraine mua vũ khí thông qua chương trình Hợp đồng Quân sự Nước ngoài của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Thông báo này được đưa ra khi Tổng thống Ukraine Zelenskiy được cho là có kế hoạch thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Mỹ. Chuyến thăm cũng sẽ là lần đầu tiên diễn ra cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Zelenskiy nhậm chức. Mặc dù việc mua vũ khí sẽ cần thời gian và đang được Mỹ xem xét, nhưng có thể làm phức tạp thêm lời kêu gọi đối thoại mà Tổng thống Ukraine vừa đưa ra với Nga.
Tổng thống Zelenskiy ngày 8/7 cho biết sẵn sàng có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin: “Chúng ta cần đối thoại và hãy thảo luận về vấn đề Crimea và Donbass. Tôi đề xuất cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin,có thể bao gồm lãnh đạo Mỹ, Anh, Đức và Pháp. Địa điểm có thể là Belarus. Chúng tôi không thay đổi hay từ chối bất cứ hình thức đối thoại ngoại giao nào. Chúng tôi đề xuất đối thoại vì chúng ta cần đối thoại”.
Mỹ đã cung cấp sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine, trị giá khoảng 1,5 tỷ USD kể từ năm 2014, bao gồm tên lửa chống tăng Javelin. Nga nhiều lần tuyên bố việc Mỹ cấp vũ khí cho Ukraine không góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng, đồng thời cáo buộc động thái này của Mỹ vi phạm thỏa thuận Minsk về việc giải quyết xung đột trong khu vực, với cảnh báo việc Mỹ bán tên lửa chống tăng Javelin đẩy Ukraine vào một cuộc chiến “đổ máu” khác.
Bất chấp việc Tổng thống Trump thể hiện sự quan tâm đến việc cải thiện mối quan hệ với Nga, nhưng giới quan sát cho rằng, thúc đẩy quốc phòng giữa Mỹ và Ukraine sẽ tiếp tục được tăng cường, khi Tổng thống Trump luôn thúc đẩy xuất khẩu là một mục tiêu quan trọng trong chính sách kinh tế của Mỹ./.