Vài nét về Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường

(VOV) -Tân Thủ tướng Trung Quốc chủ trương đẩy mạnh cải cách, trong đó có tái cơ cấu nội các 

Ông Lý Khắc Cường, 57 tuổi, vừa được bổ nhiệm làm Thủ tướng Trung Quốc ngày 15/3 vừa qua, vào thời điểm khi Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Ông là Thủ tướng đầu tiên được sinh ra sau Quốc khánh 1949, có 2 văn bằng kinh tế và luật.

Trong nhiệm kỳ 5 năm làm phó thủ tướng, ông Lý Khắc Cường được đánh giá là người nhạy bén, quyết đoán sẵn sàng đối mặt với thách thức, có phong cách làm việc chuyên nghiệp. Ông đã đạt được những thành tích đáng kể trong  những nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế, cải thiện dân sinh và tăng cường cải cách.

Ông Lý Khắc Cường tiếp khách quốc tế tháng 12/2012 (Ảnh Tân Hoa xã)



Ba thập kỷ phát triển nhanh chóng đã làm cho Trung Quốc trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn còn trong một giai đoạn khó khăn với nhiều trở ngại phía trước. Xây dựng một xã hội khá giả vào năm 2020 đối với một quốc gia với dân số trên 1,3 tỷ người là một sứ mệnh lịch sử.

Sau khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng, ông Lý Khắc Cường cúi đầu chào với một nụ cười trên môi trong tiếng vỗ tay của khoảng 2.900 đại biểu quốc hội tại Đại lễ đường Nhân dân, tỏ rõ ý thức trách nhiệm của mình với cương vị là thủ tướng của một đất nước rộng lớn.

Ông Lý Khắc Cường đưa ra những cải cách mang định hướng thị trường trong phương hướng hoạt động của mình. Trong chuyến công du đến thành phố Baotou thuộc khu tự trị Nội Mông hồi tháng 2, ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh rằng "thị trường, chính phủ và người dân liên kết với nhau" để thực hiện cải cách mạnh mẽ hơn.

Ông Lý Khắc Cường đã chủ trì một cuộc hội thảo về cải cách kéo dài 6 ngày sau Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) vào tháng 11/2012.

Tại cuộc hội thảo, ông Lý đưa ra lý thuyết "cải cách cũng là lợi tức". "Chúng ta đã dấn sâu vào cuộc cải cách và bây giờ phải chèo lái con thuyền lên đầu ngọn thủy triều. Chúng ta có thể không mắc sai lầm nếu chúng ta không cố gắng làm, nhưng chúng ta phải gánh trách nhiệm lịch sử", ông nói.

Cải cách hành chính đã trở thành một ưu tiên hàng đầu sau khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18. Phiên họp toàn thể thứ hai của Ban Chấp hành Trung ương 18 vào tháng 2 đã thông qua một kế hoạch cải cách thể chế và chuyển đổi chức năng của Hội đồng Nhà nước. Kế hoạch này cũng được Quốc hội Trung Quốc thông qua vào thứ Năm (14/3). Chính ông Lý Khắc Cường là người đứng đầu ban soạn thảo kế hoạch.

Ông Lý Khắc Cường đề xuất cắt giảm nhân sự nội các để đạt hiệu quả cao hơn. Việc tái cơ cấu nội các này hoạt động cải tổ lần thứ 7 kể từ sau công cuộc đổi mới và mở cửa của Trung Quốc vào cuối những năm 70 thế kỷ trước. Giống như bất kỳ cuộc cải cách nào, việc tái cơ cấu là một thách thức vô cùng khó khăn.

Một bài bình luận đăng trên Nouvelles d'Europe, một tờ báo tiếng Trung Quốc ở châu Âu, cho biết việc tái cơ cấu nội các của Trung Quốc sẽ tiến từng bước một. Bài báo còn nói thêm rằng đây là thời điểm để các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc thể hiện lòng can đảm và trí tuệ khi đưa ra những quyết định chính trị.

Đưa ra kế hoạch này, ông Lý Khắc Cường nói rằng, tái cơ cấu nội các không chỉ là giảm nhân sự mà việc cải cách nhắm ưu tiên tới chuyển đổi chức năng nhiệm vụ. Ông kêu gọi phân cấp quyền lực trên toàn bộ hệ thống, xã hội và chính quyền địa phương bằng cách giảm sự can thiệp của chính phủ. Chuyển đổi chức năng nhiệm vụ đồng thời với chuyển dịch cơ cấu thể chế.

Ban soạn thảo do ông Lý Khắc Cường là trưởng ban đã tiến hành nghiên cứu thực tế trong nhiều lĩnh vực, tại các tỉnh và các doanh nghiệp. Ông Lý chủ trì cuộc hội thảo lấy ý kiến ​​chuyên gia nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề khó.

Với cương vị Phó Thủ tướng, ông Lý biết rằng khi có nhiều ban ngành cũng quản lý một lĩnh vực rất khó phối hợp với nhau. Ví dụ như, lĩnh vực An toàn thực phẩm do một tá các cơ quan quản lý giám sát, mà những cơ quan này thường có các quy định khác nhau nhằm để “đá bóng” sang chân đội bạn. Lĩnh vực hàng hải phân bổ thành 5 cơ quan phụ trách, chia mảng công việc quá nhỏ nên thật khó để cùng phối hợp.

Ông Lý Khắc Cường đã ủng hộ mạnh mẽ việc thay đổi ngành đường sắt cố hữu hoạt động với chức năng cơ quan hành chính và doanh nghiệp. Ông cũng yêu cầu sáp nhập các cơ quan chức năng quản lý an toàn thực phẩm và lĩnh vực hàng hải.

Ông cũng đã thúc đẩy tinh giản và phân cấp phê duyệt trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh, cũng như giảm bớt các thủ tục và lệ phí hành chính. Khi nhiều doanh nghiệp than phiền thủ tục đăng ký kinh doanh quá phức tạp, ông Lý Khắc Cường đã thay đổi hệ thống cấp giấy phép dễ dàng hơn. Doanh nhân được phép đăng ký lập công ty chỉ cần thỏa thuận vốn điều lệ.

Trong khi xem xét một kế hoạch cải cách giá điện, than, ông Lý đã đồng ý việc định giá theo thị trường, nhưng tin rằng đó là đặc trưng của một nền kinh tế kế hoạch. "Giả sử là tất cả than được bán theo giá thị trường, Tại sao vẫn còn có hạn chế về số lượng và giá cả? Hợp đồng giữa các doanh nghiệp không được chính phủ kiểm định. Luật hợp đồng chỉ được đơn phương áp dụng", ông từng nói.

Kế hoạch cải cách giá điện than đã được sửa đổi, bổ sung để được phê duyệt. Hiện nay kế hoạch sửa đổi đã được thực hiện, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách trong lĩnh vực than và điện./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên