Vi khuẩn Wolbachia, "vũ khí" mới của Indonesia chống sốt xuất huyết
VOV.VN - Sốt xuất huyết ở Indonesia vẫn là mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng cần được giải quyết với số ca mắc trung bình lên tới 74.000 - 140.000 ca mỗi năm. Tuy nhiên các quan chức nước này cho biết, việc sử dụng vi khuẩn Wolbachia đã chứng minh được tính hiệu quả trong việc giảm số ca nhiễm sốt xuất huyết tới 77%.
Bộ Y tế Indonesia cho biết, từ tháng 1 đến tháng 11/2023, có khoảng 76.449 bệnh nhân sốt xuất huyết được ghi nhận, với số người tử vong là 571 người, giảm mạnh so với con số của năm trước. Điều này đạt được thông qua các biện pháp can thiệp hiện tại, bao gồm phun sương, diệt bọ gậy và thực hiện phong trào 3M plus bao gồm làm sạch các thùng chứa nước, đậy nắp các thùng chứa nước và tái sử dụng hoặc tái chế hàng hóa đã qua sử dụng.
Tuy nhiên một biện pháp được đánh giá là đổi mới và hiệu quả để kiểm soát bệnh sốt xuất huyết ở mức thấp cũng như đẩy nhanh mục tiêu loại trừ bệnh sốt xuất huyết vào năm 2030 đó là sử dụng vi khuẩn Wolbachia. Wolbachia là dự án thả trứng muỗi hoặc muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia để kiểm soát bệnh sốt xuất huyết.
Sau khi được thả ra, muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia sẽ giao phối với muỗi hoang dã tại địa phương và giúp truyền Wolbachia trong đàn muỗi. Bằng cách này, dần dần nhóm muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia trong tự nhiên sẽ được nhân lên ngày càng nhiều. Từ đó, giúp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh sốt xuất huyết và các bệnh nguy hiểm do muỗi vằn. Biện pháp này đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết ở 14 quốc gia, bao gồm Brazil, Australia và Singapore.
Theo giới chức y tế Indonesia, việc sử dụng vi khuẩn Wolbachia là sáng kiến tốt, an toàn và hiệu quả. Đây là một biện pháp lâu dài và tiết kiệm chi phí có thể làm giảm đáng kể số ca sốt xuất huyết ở Indonesia. Bộ Y tế Indonesia cũng cho biết đã phân bổ 16 tỷ Rp (khoảng 1,03 triệu USD) cho các thử nghiệm liên quan đến việc sử dụng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia để kiểm soát sự lây lan của bệnh sốt xuất huyết ở 5 thành phố của Indonesia. Ngoài ra, chính quyền của mỗi thành phố cũng đang chi khoảng 500 triệu Rp (khoảng 32.318 USD) cho các thử nghiệm.