Vì Trung Quốc, Ấn Độ có thể ‘siết’ hàng hóa từ ASEAN

VOV.VN - Ấn Độ dự tính sẽ áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt hơn với hàng nhập khẩu như bắt buộc kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ.

Chính phủ Ấn Độ vừa yêu cầu các ngành công nghiệp và các nhà nhập khẩu nước này xác định những hàng hóa nước ngoài đang lợi dụng Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Ấn Độ - ASEAN để nắm lợi thế tại thị trường Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này dự tính sẽ áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt hơn với hàng nhập khẩu như bắt buộc kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ.

Ảnh minh họa: Internet.

Theo tờ Economic Times, FTA Ấn Độ - ASEAN cho phép hầu hết các mặt hàng có nguồn gốc từ các quốc gia Đông Nam Á được hưởng mức thuế thấp khi tiếp cận thị trường Ấn Độ. Động thái mới của New Delhi được cho là nhằm vào hàng hóa của Trung Quốc ‘mượn đường’ qua các nước ASEAN để vào Ấn Độ.

Đây là nỗ lực mới nhất của Ấn Độ nhằm làm sự phụ thuộc vào các loại hàng hóa, nguyên liệu phục vụ sản xuất nhập khẩu từ Trung Quốc. Một quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết, nước này ghi nhận khối lượng lớn hàng nhập khẩu đang nhận được ưu đãi của FTA Ấn Độ - ASEAN và FTA Ấn Độ Singapore. Nhiều sản phẩm này có liên quan tới việc thay đổi nhãn hàng rồi tái xuất khẩu vào Ấn Độ.  

Việc ra soát thông qua kiểm tra giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sẽ giúp chính phủ Ấn Độ đưa ra các biện pháp hạn chế nhập khẩu, trong trường hợp hàng hóa Trung Quốc ‘núp bóng’ các nước ASEAN để vào Ấn Độ.

Theo các số liệu của Ấn Độ, nhập khẩu hàng hóa từ các nước Đông Nam Á của nước này đã tăng 26% trong năm tài chính 2019, so với mức tăng 10% của tổng lượng hàng hóa nhập khẩu của Ấn Độ. Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam tăng 43,3% lên mức 7,2 tỷ USD.

Trước đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất công nghệ thông tin Ấn Độ (MAIT) - cơ quan đại diện cho các nhà sản xuất đồ điện tử nội địa cho biết đã phát hiện vấn đề với hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN trong khuôn khổ các FTA. Các mặt hàng bị nghi ngờ gian lận xuất xứ gồm linh kiện điện tử, hàng hóa trung gian và nguyên liệu của nhiều ngành công nghiệp như hàng may mặc, sợi, và tơ tổng hợp.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất công nghệ thông tin Ấn Độ Nitin Kunkolienker cho biết: theo quy định, sản phẩm cần đảm bảo 33% giá trị gia tăng được tạo ra tại các nước ký FTA. Nhưng nếu các cơ quan chức năng (thông qua các quy trình hải quan) kiểm soát điều này, việc xác định nguồn gốc xuất xứ hàng hóa sẽ là vấn đề lớn.

Còn Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp PHD DK Agarwal cho biết: có nhiều quan ngại rằng doanh nghiệp Trung Quốc đặt cơ sở sản xuất tại các nước Đông Nam Á để tận dụng lợi thế của các FTA giữa Ấn Độ và ASEAN. “Là tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng đây là những FTA kiểu cũ, ở đó Ấn Độ không nắm lợi thế. Nhập khẩu của chúng tôi chỉ có gia tăng vì các FTA này. Vì thế, cần xem xét lại, loại bỏ chúng để ký kết các FTA kiểu mới với những điều khoản có lợi cho Ấn Độ", ông Agarwal nói.

Việc Ấn Độ hạn chế nhập khẩu cũng nhằm thực hiện sáng kiến ‘tự lực tự cường’ của Chính phủ. Kế hoạch này tập trung vào cắt giảm nhập khẩu và chuyển sang sử dụng các hàng hóa thiết yếu mà Ấn Độ có thể sản xuất được. Điều này sẽ hỗ trợ cải thiện năng lực sản xuất của các ngành công nghiệp Ấn Độ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên